Kể chuyện thương hiệu (brand storytelling) không chỉ đơn thuần là một hình thức quảng cáo. Nó là cả một quá trình xây dựng cầu nối cảm xúc, giúp thương hiệu trở nên gần gũi với công chúng, nhận lại được lòng tin và sự trung thành từ phía khách hàng. Dưới đây sẽ là những cách giúp người làm nội dung/ làm kinh doanh độc lập kể câu chuyện thương hiệu một cách thành công.
Câu chuyện thương hiệu là gì?
Câu chuyện thương hiệu là một chiến lược brand marketing hiệu quả và được rất nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới như Google, Apple, Starbucks, … áp dụng. Không chỉ vậy, ở Việt Nam cũng có rất nhiều nhãn hàng xây dựng câu chuyện thương hiệu như mỹ phẩm Cocoon, thời trang LEP, tỏi Lý Sơn … Các thương hiệu vừa và nhỏ, thậm chí là cá nhân làm độc lập như freelancer, creator cũng có thể tự viết lên những câu chuyện của riêng mình, chạm tới trái tim khách hàng.
Việc kể câu chuyện thương hiệu thường xoay quanh lịch sử hình thành, giá trị văn hóa, lòng thấu cảm với khách hàng, giải pháp từ thương hiệu mang đến cho khách hàng… Bạn có thể tận dụng sức hút của nghệ thuật storytelling để tạo nên những cốt truyện mới lạ, kích thích trí tò mò, khơi gợi cảm xúc và dẫn dắt trí tưởng tượng của độc giả. Từ đó, thông điệp dễ dàng truyền tải một cách ngắn gọn, tự nhiên, khiến cho khách hàng yêu thích và trung thành với thương hiệu.
Tại sao việc kể câu chuyện thương hiệu lại quan trọng với doanh nghiệp?
Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp, nhà bán hàng “đổ xô” lên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm/ dịch vụ ngày càng gia tăng.
Trong một thị trường đầy sự cạnh tranh với vô vàn nội dung mới mỗi ngày, khách hàng ngày càng bị “choáng ngợp” trước sự nhiễu loạn thông tin. Trung bình nếu như một người dùng 2 giờ để lướt mạng xã hội, mỗi ngày sẽ tiếp cận với hàng trăm nội dung thuộc các lĩnh vực khác nhau như tin tức, giải trí, chia sẻ của bạn bè trên news feed, quảng cáo của rất nhiều nhãn hàng,…
Vì vậy, những nội dung quảng cáo chỉ đơn thuần tập trung vào đặc tính, chất lượng sản phẩm (mà mọi người đều biết, hoặc biết nhưng không tin vào những gì thương hiệu cố nói) đa phần ngày càng bị “lu mờ” bởi các nội dung giải trí hấp dẫn, các nội dung nóng sốt hoặc chia sẻ giá trị hữu ích, chân thực.
Vậy nên, các thương hiệu phải tìm cách để tạo dấu ấn, khiến khách hàng ghi nhớ: bằng việc kể những câu chuyện thương hiệu theo cách riêng của mình, với mục tiêu là kết nối cảm xúc chặt chẽ với khách hàng.
Các bước tìm ra ý tưởng câu chuyện thương hiệu
Kể một câu chuyện xoay quanh khách hàng của mình chính là cách đơn giản nhất giúp thương hiệu tạo dựng được hình ảnh uy tín, thân thiện. Vậy làm thế nào để bạn có thể tìm ra ý tưởng cho câu chuyện thương hiệu?
Đầu tiên, hãy hỏi động lực nào khiến bạn muốn kể câu chuyện đó? Bạn muốn truyền tải những thông điệp nói lên những giá trị của thương hiệu hay chỉ muốn làm nổi bật tính năng, lợi ích của sản phẩm/ dịch vụ?
Giá trị của một thương hiệu thông thường được xác định bởi lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, phẩm chất và tài năng của đội ngũ, giá trị đem đến cho cộng đồng, và sự ghi nhận – ghi nhớ của khách hàng.
Một cách đơn giản nhất, bạn có thể tìm ra câu chuyện thương hiệu cho riêng mình bằng cách trả lời những câu hỏi sau:
- (WHY) Thương hiệu tồn tại vì sứ mệnh gì?
- (WHO) Nhân vật chính trong câu chuyện là ai?
- (BRAND HISTORY & MILESTONE) Lịch sử hình thành và phát triển có gì đặc biệt?
- (BRAND FUTURE) Khát vọng, tầm nhìn của doanh nghiệp trong tương lai là gì?
- (BRAND INSPIRATION) Đâu là yếu tố giúp thương hiệu truyền cảm hứng mạnh mẽ tới khách hàng?
- (BRAND PROS & CONS) Đâu là cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp?
- (BRAND MISSION) Thương hiệu giúp giải quyết vấn đề cốt lõi gì cho khách hàng? Thương hiệu đáp ứng mong muốn gì cho khách hàng?
- (REASON TO CHOOSE) Lý do để khách hàng chú ý tới câu chuyện của thương hiệu và mua hàng là gì?
Những câu hỏi trên giống như kim chỉ nam giúp bạn dẫn dắt câu chuyện của mình đi đúng hướng, nhắm vào insight của khách hàng mục tiêu.
Những nguyên tắc khi kể câu chuyện thương hiệu
Đừng quên tính cách của thương hiệu
Xây dựng câu chuyện thương hiệu cũng là một chiến lược brand marketing, bạn cần phải thể hiện rõ cá tính đặc trưng của thương hiệu để tạo nét khác biệt cho câu chuyện, đồng thời thu hút và tạo ấn tượng tốt với khách hàng.
Ví dụ cho bạn dễ hiểu là tính cách các thương hiệu sau (2024): cá tính (Saigon Swagger), hài hước (Mì Caty), sành điệu (Spotify), lạc quan (Cocoon), năng động (Coolmate), truyền cảm hứng/ chia sẻ (Grab Food), vv.
Dĩ nhiên, tính cách thương hiệu còn được xác định thông qua cảm nhận của người dùng theo thời gian nữa. Nhưng ít nhất, trước khi bắt tay vào viết câu chuyện thương hiệu, hãy thực sự hiểu rõ tính cách ‘nhân vật’ bước ra từ thương hiệu bạn sắp viết.
Đơn giản hóa câu chuyện, tập trung vào giá trị đích thực
Câu chuyện càng đơn giản, độc giả càng dễ hiểu, dễ nhớ.
Bạn không cần phải diễn giải quá dài dòng vì điều đó chỉ khiến cho khách hàng cảm thấy “rối não”. Hãy tập trung vào những giá trị bạn có thể đem lại cho khách hàng hoặc cộng đồng.
Ví dụ: Thương hiệu giày TOMS xây dựng câu chuyện “sứ mệnh tồn tại của tôi là để cải thiện cuộc sống con người”, gắn liền với khẩu hiệu “One for one” (Đổi một lấy một), mang ý nghĩa cứ mỗi đôi giày được trao đến tay người mua tương đương một người nghèo được tặng đôi giày cũ.
Câu chuyện này vừa ngắn gọn, vừa truyền tải được sứ mệnh của doanh nghiệp với cộng đồng.
Biến câu chuyện trở thành một phần trong lý do mua hàng của người dùng
Khi bạn đặt khách hàng làm trung tâm của câu chuyện, họ sẽ cảm thấy bản thân mình quan trọng, được đồng cảm và thấu hiểu, từ đó sẽ chú ý đến thương hiệu của bạn. Đôi khi khách hàng mua hàng không phải vì sản phẩm độc đáo mà là vì câu chuyện của bạn thực sự chạm đến insight của họ.
Ví dụ, rất nhiều người mua giày Nike không chỉ vì thiết kế, kiểu dáng của nó mà vì câu chuyện đằng sau, mang tính truyền cảm hứng cực lớn đến khán giả trẻ.
Mỗi chúng ta chỉ có thể sống một lần duy nhất, nếu có bất cứ thứ gì cản trở đôi chân ta trên hành trình đam mê, hãy “Just do it” tiếp tục vượt qua thử thách để cuộc đời trở nên ý nghĩa.
Kể câu chuyện lay động cảm xúc người nghe
Trước hết, bạn cần phải xác định đối tượng mục tiêu của mình là những ai, “chân dung” của họ như thế nào, họ đang có nhu cầu gì.
Bạn không thể kể những câu chuyện không đầu, không cuối, không đúng với những gì khách hàng của bạn quan tâm. Ví dụ, bạn không thể kể một câu chuyện drama, tiêu cực với những người đang tìm kiếm sự chữa lành.
Bên cạnh đó, bạn hãy tinh tế sử dụng câu từ và cách diễn đạt của mình để dẫn dắt khách hàng qua những cung bậc cảm xúc. Hãy khiến câu chuyện của bạn hấp dẫn đến nỗi ngay cả những người không phải khách hàng mục tiêu cũng muốn đọc câu chuyện của bạn. Biết đâu một ngày nào đó, họ lại trở thành khách hàng trung thành của bạn thì sao.
Tham khảo ngay câu chuyện thương hiệu tuyệt vời ghi dấu 100 năm lịch sử phát triển của Rolex.
Các ví dụ khác
Câu chuyện thương hiệu khẳng định khả năng tìm kiếm số một của Google
Google đã xây dựng câu chuyện mang tên “Google, Parisian Love“. Đây được đánh giá là quảng cáo công nghệ hay nhất mọi thời đại.
Chỉ với bối cảnh đơn giản là khung tìm kiếm, Google đã viết lên câu chuyện về một chàng trai bắt đầu gõ thanh tìm kiếm với câu hỏi về chuyện đi du học Pháp, đây chính là chặng mở đầu cho chuỗi hành trình đi tìm hạnh phúc của nhân vật chính.
Sau đó, là các dòng từ khóa như tìm các địa chỉ ở Paris, làm quen cô gái Pháp, các quán cafe, nhà thờ và cuối cùng là chiếc giường cho trẻ nhỏ. Không có sự xuất hiện của nhân vật, chỉ bằng những dòng chữ và âm thanh, đoạn quảng cáo mô tả cả quá trình yêu nhau và đi tới hôn nhân của nhân vật chính.
Qua đây, Google đã thể hiện thành công thông điệp của mình rằng: Google sẽ giúp cho mọi người giải đáp bất cứ thắc mắc nào trong cuộc sống và hơn thế nữa, kết quả mỹ mãn đến không ngờ.
Câu chuyện thương hiệu của Cocoon
Cocoon là một thương hiệu mỹ phẩm Việt nổi tiếng với những sản phẩm chăm sóc da thuần chay 100%. Các sản phẩm của Cocoon đều hướng đến sự an toàn, lành tính cho người sử dụng.
Thương hiệu này đã xây dựng câu chuyện của mình với hình ảnh cái kén, ngôi nhà và ví mỹ phẩm giống như những món ăn bổ dưỡng cho da, từ đó giúp khách hàng hiểu được giá trị của thương hiệu và câu slogan “mỹ phẩm thuần chay – cho nét đẹp thuần Việt”.
Kết
Những câu chuyện chân thực, độc đáo, hấp dẫn sẽ đưa thương hiệu đến gần hơn với tâm trí mọi người đọc, khơi gợi cảm xúc và dẫn dắt họ trở thành những khách hàng trung thành. Bằng cách tham khảo các quy trình kể chuyện thương hiệu mà mình đã chia sẻ, hẳn là bạn đã có thêm thật nhiều gợi ý để viết nên những câu chuyện thương hiệu mang màu sắc riêng, góp phần đem lại thành công cho doanh nghiệp rồi phải không nào?
Tác giả: Nhung Phan
- Mật Độ Từ Khoá SEO: Cách Tối Ưu Hoá Nội Dung Để Cải Thiện Xếp Hạng
- Content Creation – Tạo nên giá trị vượt xa ‘con chữ’
- Các trang web Freelancer tốt nhất (2023-2024)
- Công Thức Content ACCA Là Gì? Áp Dụng Ngay Để Mang Lại Chuyển Đổi Cao Cho Doanh Nghiệp Của Bạn!
- Bí Thuật Viết Call To Action Hiệu Quả Gấp 3 Lần Mà Không Chuyên Gia Copywriting Nào Muốn Bạn Biết