Bí ý tưởng làm content, hãy “đánh cắp” một cách văn minh, tinh tế

Nghệ thuật đánh cắp ý tưởng khi làm STND.
Reading Time: 10 minutes

Trong quá trình sáng tạo và sản xuất nội dung, chắc hẳn các content creator đã không ít lần gặp phải tình trạng gặm bút hằng giờ cũng không có nổi một ý tưởng. Và chính mình cũng vậy! Cùng tìm hiểu bản chất của sáng tạo để có một nguồn ý tưởng làm content vô hạn nhờ việc đi “đánh cắp ý tưởng”.

Bạn hãy khoan cho rằng, bài viết này cổ súy cho việc đi ăn cắp một cách trắng trợn, lố bịch, trái với lương tâm và luật sở hữu trí tuệ, luật bản quyền! Thạch đã để cụm từ “đánh cắp” vào trong dấu ngoặc kép tức là phải có ngụ ý đằng sau đó. Hãy dành 5 phút đọc tới cuối, bài viết này sẽ mở ra cho bạn những hướng tư duy mới có thể từ trước tới nay bạn chưa từng tiếp cận.

Việc thiếu kiến thức cùng với sự cầu toàn khiến chúng ta hiểu nhầm rằng, sáng tạo nhất thiết phải là quá trình tạo ra một thứ mới hoàn toàn và chưa từng xuất hiện? Picasso lại từng nói rằng ‘các nghệ sĩ giỏi thường sao chép, còn các nghệ sĩ vĩ đại thì thường ăn cắp’. Vậy thì quan điểm nào mới là đúng?

1. Phân biệt giữa “lấy cảm hứng”, “mượn ý tưởng” và “đạo nhái”

Chính vì suy nghĩ rằng sáng tạo phải là tạo ra một thứ gì đó chưa ai từng nghĩ ra, chưa ai từng biết đến cho nên đôi khi chúng ta thấy một ý tưởng nào đấy có vẻ na ná với một ý tưởng trước đó đã từng xuất hiện, chúng ta vội quy chụp rằng đó là “đạo nhái”.

Quả thật, giữa việc lấy cảm hứng, mượn ý tưởng và đạo nhái là 3 khái niệm rất dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, chúng ra có thể phân biệt nó như sau: 

– “Lấy cảm hứng“:

nghĩa là dựa trên sản phẩm nguyên bản hoặc sự vật, hiện tượng, … nào đó để làm ý tưởng xây dựng chất liệu, chủ đề, ngôn ngữ, nhân vật, … cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nội dung sản phẩm mới về tổng thể đa phần khác biệt và mang cá tính, ý nghĩa hoặc hình thức thể hiện riêng, không bị nhầm lẫn so với sản phẩm nguyên bản.

Ví dụ:

Lời bài hát và MV “Để mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thuỳ Linh lấy cảm hứng từ cốt truyện dân gian “Vợ chồng A Phủ” và một số yếu tố từ các tác phẩm nổi tiếng như “Vợ Nhặt”, “Lão Hạc”, “Chí Phèo”.

MV chính là sự kết hợp và lồng ghép các yếu tố dân gian nhưng vẫn mang hơi hướng hiện đại. Để mà nói rằng bài hát và MV không liên quan gì đến những tác phẩm kia cũng không phải, nhưng rõ ràng Hoàng Thuỳ Linh đã biến hoá nó thành một sản phẩm hoàn toàn mới mẻ, sáng tạo trên thị trường âm nhạc và không ai có thể nói rằng cô “đạo nhái”. 

– “Mượn ý tưởng”:

Có nghĩa là bạn sử dụng đúng ý tưởng gốc của sản phẩm đó để biến nó thành sản phẩm mới. Tuy nhiên, bạn chỉ thể hiện khoảng 10-30% ý tưởng đó trong sản phẩm của mình, còn lại là những gì bạn biến hoá, sáng tạo thêm với nội dung, ý niệm, lý tưởng mới của riêng bạn.

Ví dụ: Mì thanh long là một sản phẩm rất thành công của Caty Food và tạo nên cơn sốt trong cộng đồng mạng trong năm 2023. Rất nhiều thương hiệu đã mượn ý tưởng từ TVC quảng cáo “lần đầu tiên, trái thanh long có trong mì tôm” để thực hiện chiến dịch truyền thông. Trong số đó, thương hiệu Lifebuoy Vietnam cũng mượn ý tưởng quảng cáo trái thanh long của Caty Food để ra mắt sản phẩm mới mang tên “Lifebuoy Thanh Long & Tuyết Mai”.

Vay mượn ý tưởng làm content từ cac trend thịnh hành.
Vay mượn ý tưởng làm content từ cac trend thịnh hành (cơn sốt Mì thanh long năm nào).

– “Đạo nhái”:

Gần như là copy nguyên xi, độ giống lên tới 70% so với sản phẩm nguyên bản. Không chỉ vậy, những kẻ đạo nhái còn cố tình khẳng định như đó là ý tưởng của mình và khiến cho mọi người hiểu nhầm về tác quyền của sản phẩm. 

Ví dụ:

Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những màn đạo nhái của các nhà thiết kế thời trang, họa sĩ, nhà làm phim, content creator, … Dưới đây là một trong những ví dụ về việc đạo nhái ý tưởng.

Ý tưởng làm content-02
‘Đạo nhái’ concept chụp, đạo cụ cho đến biểu cảm nhân vật, font chữ, bố cục poster.

Vậy thì thế nào là “đánh cắp” ý tưởng một cách văn minh? Đó là hãy dừng lại ở cấp độ lấy cảm hứng hoặc vay mượn ý tưởng, đừng trở thành một kẻ đạo nhái bất chấp, trắng trợn. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, việc bắt chước ý tưởng giống tới gần 100% cũng có thể hợp pháp nếu như ý tưởng cũ không được bảo vệ bản quyềnviệc sao chép không làm ảnh hưởng tới hình ảnh, doanh thu, nhận diện thương hiệu… của bên sở hữu ý tưởng gốc.

2. Khi nào nên vay mượn ý tưởng làm content

Đối với một người làm sáng tạo nội dung, bí ý tưởng là chuyện như cơm bữa. Mặc dù mỗi ngày trên các mạng xã hội có rất nhiều nội dung mới ra đời, rất nhiều ý tưởng mới được phát hiện minh chứng cho việc trí sáng tạo của con người là vô hạn.

Tuy nhiên xét theo cá nhân mỗi người, mặc dù bộ não của chúng ta có làm việc năng suất tới đâu thì cũng sẽ có lúc bị ngưng trệ. Hơn nữa, mỗi một người sẽ chỉ có những trải nghiệm, kinh nghiệm về một số lĩnh vực nhất định. Vậy nên nếu như bạn “làm dâu trăm họ” với nghề content freelancer, một năm nhận vài chục dự án khác nhau và mỗi dự án lại là một lĩnh vực khác nhau, áp lực về khả năng sáng tạo sẽ càng lớn.

Nếu như một ngày nào đó đối tác giao cho bạn một deadline cần phải hoàn thành gấp, nhưng bạn vắt óc mãi cũng không ra nổi một ý tưởng, trong khi đó bạn cảm thấy rằng ý tưởng từ những người khác có thể tạo cảm hứng cho bạn, khơi gợi bạn nghĩ ra những ý tưởng của riêng mình. Vậy tội gì mà bạn không “vay mượn” những ý tưởng đó phải không nào?

“Vay mượn”, “copy-cat” từ các nhà sáng tạo đã viral (lên xu hướng) là một trong những phương pháp sáng tạo chính trên TikTok.

Ngoài việc khuyến khích người dùng tạo ra nội dung mới, nền tảng này còn phát triển nhờ việc mọi người “mượn ý tưởng”” của nhau để bắt trend. Một điệu nhảy, một câu nói của một TikToker nào đó bỗng trở nên viral có thể sẽ là một nguồn cảm hứng để mọi người bắt chước và làm theo, từ đó trở thành xu hướng được lan tỏa rộng rãi. Đó chính là lý do đưa TikTok trở thành một trong những mạng xã hội hàng đầu của giới trẻ hiện nay. 

Việc bắt chước đối thủ cũng các thương hiệu có tiếng tăm trên thế giới thực hiện một cách công khai, minh bạch. Ngay cả đến những gã khổng lồ như Facebook, Google hay Apple cũng không thể khẳng định mọi sản phẩm sáng tạo của họ là nguyên gốc, không sao chép bất kỳ chi tiết nào của đối thủ. 

Facebook là một mạng xã hội điển hình của việc sao chép. Có thể thấy, nền tảng này đã bắt chước rất nhiều tính năng từ các mạng xã hội và ứng dụng khác như tính năng Reels từ TikTok, tính năng Stories từ Snapchat, tính năng Facebook Gaming từ Twitch, tính năng Kênh thông báo giống của Telegram… 

Ngay cả Apple cũng đã từng sao chép công nghệ giao diện đồ họa cho người dùng (GUI) của Xerox khi nhận thấy rằng công nghệ này tối ưu hơn rất nhiều so với những gì Apple đã từng sản xuất trước đó. Sau đó, Apple đã ứng dụng công nghệ đó hiệu quả để cho ra đời một sản phẩm đột phá mang tên Apple Macintosh.

Hãy thử tưởng tượng rằng, bạn phải tìm cách để tới bờ bên kia của dòng sông. Tuy nhiên, đối thủ đã tìm ra một cây cầu duy nhất bắc qua sông. Vậy bạn có tìm được cách nào tốt hơn để đi qua sông hay không? Bạn sẽ đi thuyền hay bơi qua? Cách hiệu quả nhất chắc chắn là đi qua cây cầu mà đối thủ của bạn đã tìm ra trước đó.  Bởi vậy có thể thấy, đôi khi việc vay mượn ý tưởng làm content, bắt chước những gì người khác đã làm thành công còn tốt hơn là tự mình nghĩ ra và thực hiện một điều gì đó hoàn toàn mới. 

3. 4 bước “bắt chước khéo léo” ý tưởng làm content của người khác

Bước 1: Quan sát và tìm mối liên kết 

Để tránh mất thời gian tìm kiếm ý tưởng khi lướt mạng xã hội, bạn nên vạch ra mục tiêu rõ ràng, lướt xem các nội dung một cách có chủ đích. 

Đầu tiên, bạn cần phải hiểu mình đang có nhu cầu tiếp cận những dạng nội dung như thế nào, phục vụ cho nhu cầu gì?

Ví dụ, bạn đang muốn tìm kiếm các trend mới nổi, nội dung giải trí, tin tức hay chia sẻ kiến thức? Bạn mong muốn tìm kiếm ý tưởng từ các đối thủ cùng ngành hay ý tưởng bất chợt từ một TikToker bất kỳ trên mạng xã hội? Bạn muốn tìm kiếm ý tưởng để đưa vào nội dung bạn sản xuất, hay làm cảm hứng sáng tạo? 

Các nền tảng như Facebook hay TikTok đều có các thuật toán đề xuất nội dung liên quan dựa trên những gì bạn quan tâm. Bạn chỉ cần tập trung tương tác một vài nội dung theo nhu cầu của mình, nền tảng sẽ tự đề xuất những nội dung tương tự (fyp) mà bạn không cần phải mất công tìm kiếm. 

Bạn cũng có thể chủ động sử dụng tính năng tìm kiếm bằng hashtag, từ khoá để ựa chọn các nội dung từ phía đối thủ một cách nhanh chóng hơn. 

Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải quan sát xem ý tưởng này liệu có phù hợp với phong cách thương hiệu, đặc tính sản phẩm, thông điệp, tinh thần…  mà bạn muốn truyền tải hay không? Ví dụ: kênh podcast chữa lành thì không nên bắt quá nhiều những chiếc trend giải trí vu vơ hay những động tác vô tri, vì 2 phong cách – 2 tệp khán giả của 2 dạng nội dung này khá khác nhau.

Ngoài ra, bạn cũng nên ghi chép lại các ý tưởng, tóm tắt lại ngắn gọn theo ý hiểu của mình để tránh trường hợp bị lẫn lộn khi xem hàng loạt nội dung khác nhau. 

Tìm điểm chung giữa các trend thịnh hành và chiến lược thương hiệu của bạn.
Tìm điểm chung giữa các trend thịnh hành và chiến lược thương hiệu của bạn.

Bước 2: Tìm những điểm sáng, phân tích và mổ xẻ 

Để ý tưởng của mình thành công hơn, bạn cũng cần phải học hỏi từ cả thành công lẫn thất bại của đối thủ. Đây cũng được coi như là một bước phân tích đối thủ giúp bạn có thể áp dụng ý tưởng của họ một cách có hiệu quả vào trong nội dung của mình. 

Nếu bạn chưa biết phải làm như thế nào, hãy trả lời những câu hỏi sau đây: 

  1. Nội dung này nói về điều gì? Thông điệp/ ý nghĩa được thể hiện như thế nào? 
  2. Nội dung này có điểm gì độc đáo, mới lạ hoặc xuất sắc trong mắt độc giả hay không? 
  3. Yếu tố nào khiến cho nội dung này lại viral hoặc đạt kết quả tốt như vậy? 
  4. Cảm xúc, hành vi, tâm lý khi khách hàng/ độc giả xem nội dung đó là gì? 
  5. Dựa vào điều gì mà họ nghĩ ra được ý tưởng như vậy? 

Bên cạnh đó, bạn cũng cần quan sát những phản hồi của độc giả dưới phần comment để nắm được rõ hơn insight , mối quan tâm từ các followers. 

Bước 3: Lồng ghép tính cá nhân vào trong nội dung của mình 

Để không bị lẫn lộn giữa ranh giới của sự sáng tạo và sao chép, bạn cần thể hiện cái tôi, nét tính cách riêng cho sản phẩm của mình bằng cách lồng ghép “tính cá nhân” cho sản phẩm. 

Tính cá nhân ở đây có thể được thể hiện ở phong cách thể hiện, cách kể truyện, góc nhìn riêng, phong cách thiết kế, diễn xuất, giọng nói, tư duy và trải nghiệm cá nhân, … 

Ví dụ về cái quá trình xây dựng kênh Thạch làm content: Thạch làm nội dung kênh hướng đến việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm cho nhóm đối tượng là Content Freelancer, người tự sản xuất content cho mô hình kinh doanh nhỏ.

Thay vì chỉ làm những video dạng chia sẻ đơn thuần như những kênh TikTok cùng chủ đề, thì Thạch lại định hình phong cách là một NGƯỜI CHIA SẺ mạnh mẽ, sẵn sàng phơi bày những drama của nghề Content và công việc Freelancer mà không ngại đụng chạm, để các bạn trẻ có cái nhìn thực tế – toàn cảnh nhất về nghề này.

Các ý tưởng làm content theo đó cũng sẽ xen kẽ việc chia sẻ kỹ năng làm nghề với các câu chuyện tình huống hài hước, châm biếm để tạo thành tuyến nội dung độc nhất. Về phần bắt trend, Thạch sẽ lựa chọn những trend có liên quan đến Content, kiểu hành động kèm lời thoại “Không ai mua nên vứt mẹ đồ đi”, hay những điệu nhảy zombie và chèn subtitle hài bựa kiểu “khách hàng ném 7749 áp lực về phía Freelancer”, vv.

Ý tưởng làm content-03
Lấy ý tưởng làm content từ chính những trải nghiệm thực tế của Content Freelancer và các xung đột với khách hàng của người làm nghề sáng tạo (@thachlamcontent).

Bước 4: Tân trang lại nội dung mà bạn bắt chước

Hãy làm cho nội dung của bạn sáng tạo hơn bằng cách tân trang lại vẻ bề ngoài của nó, làm cho nó khác biệt về hình thức thể hiện so với sản phẩm nguyên gốc. 

Ví dụ: bạn có thể chuyển thể nội dung blog sang dạng podcast, chuyển từ một bài viết dài sang dạng video ngắn, chuyền ý tưởng từ câu chuyện ngôn tình thành kịch bản TVC quảng cáo, góp nhặt kiến thức từ một quyển sách thành một bức infographic, … 

Bằng cách này, nội dung của bạn vừa mới mẻ, vừa đa dạng hình thức tiếp cận tới độc giả. 

Lời kết:

Đôi khi ý tưởng từ việc vay mượn, sao chép còn thành công hơn là việc bạn nghĩ ra một ý tưởng hoàn toàn mới. Rất nhiều thương hiệu lớn như Facebook, Apple, … chính là minh chứng cho quan điểm này. Chỉ cần thay đổi cách nhìn về khái niệm “sáng tạo”, bạn sẽ luôn có vô hạn nguồn ý tưởng mọi lúc mọi nơi.

Tác giả: Nhung Phan

Xem thêm bài viết của tác giả

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *