Bạn có muốn tạo ra một video vừa đạt lượt xem cao, vừa đem lại nguồn doanh số khủng trên nền tảng TikTok? Bạn muốn tự tạo những video review sản phẩm nhưng chưa biết triển khai như thế nào? Mình sẽ bật mí cho bạn quy trình từ A tới Z cách để lên một video review sản phẩm trên tiktok hoàn chỉnh nhé.
Review sản phẩm là gì?
Review sản phẩm là quá trình đưa ra cảm nhận, ý kiến, đánh giá và nhận xét từ trải nghiệm cá nhân về một sản phẩm, dịch vụ cụ thể nào đó. Thông qua những trải nghiệm, ý kiến từ cá nhân đó mà người xem có thể đôi chút hình dung, tưởng tượng được sản phẩm, dịch vụ mà người reiview muốn truyền đạt.
Từ “review” trong tiếng Anh mang nghĩa là đánh giá, nhận xét, phê bình hay nhắc lại những gì đã trải nghiệm trước đó. Như vậy, bạn có thể hiểu video review sản phẩm, dịch vụ là video cung cấp thông tin, đánh giá, cảm nhận khách quan và chủ quan, bao gồm cả điểm tốt và chưa tốt của một sản phẩm, dịch vụ nào đó.
Bởi vậy, video review sản phẩm thường được các doanh nghiệp hoặc những nhà bán hàng cá nhân vô cùng ưa chuộng; nhờ việc đưa ra góc nhìn đa chiều nhất về sản phẩm của họ, từ đó tạo được niềm tin từ khán giả mục tiêu.
Video review sản phẩm có giống với video quảng cáo hay không?
Bạn đừng nhầm lẫn giữa nội dung review và quảng cáo. Bởi nội dung quảng cáo thường đưa ra quan điểm một chiều, thiên về việc giới thiệu một cách hoàn hảo nhất những đặc tính, lợi ích của sản phẩm tới khách hàng.
Trong khi đó, “review” sẽ giúp cho khách hàng nhận ra được cả ưu điểm và nhược điểm của sản phẩm. “Tốt khoe, xấu cũng khoe” trong review chính là sự khác biệt với “Tốt khoe, xấu che” thường thấy trong quảng cáo sản phẩm.
Có những dạng nội dung review nào hiệu quả?
Kiểu review trực tiếp
Video review sản phẩm trực tiếp là dạng nội dung đơn giản và dễ thực hiện nhất. Bạn chỉ việc nói một cách tự nhiên về đặc điểm, công dụng, thành phần… sản phẩm và edit chúng là có ngay video. Tuy nhiên, đây là điểm xuất phát cơ bản nhất, rất nhiều người không làm content cũng có thể làm được.
Do đó, dạng nội dung này rất dễ gây nhàm chán vì không tác động nhiều tới cảm xúc người xem, không tạo được tò mò, hay cảm giác thỏa mãn (satisfied) cho người xem.
Vì vậy, khi làm dạng review “kể lể” về sản phẩm, bạn hãy tập trung nói về nét nổi bật nhất của sản phẩm, những yếu tố người sử dụng thực sự quan tâm, hạn chế viết câu lan man, dư thừa. Ví dụ trong video review sản phẩm xe đẩy cho bé (@hangjapankids), chủ kênh chỉ đề cập đến những lợi ích mà mẹ của bé sẽ quan tâm. Chẳng hạn như: trọng lượng xe nhẹ (insight “xe có nặng không?”), xe có nhiều chế độ ngồi – nằm & đệm cổ êm ái (bé ngồi/ nằm có thoải mái không?), xe có màng bao phủ chống UV giúp chống nắng cho bé (đưa bé đi dạo ngoài đường có nắng không?), xe có giảm xóc kép từ bánh và khung xe (đẩy bé đi những chỗ đường gồ ghề bé có bị xóc không?), vv.
Video review trực tiếp trên Tiktok thường được thực hiện bởi những KOL, KOC chuyên trải nghiệm và review nhiều sản phẩm liên quan nhằm kiếm tiền từ Affiliate hoặc Livestream bán hàng. Bên cạnh đó, rất nhiều nhãn hàng cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê các KOL, KOC hoặc Tiktoker để review về sản phẩm của họ.
Ví dụ một số kênh tiktok chuyên review sản phẩm trực tiếp như Võ Hà Linh, Kiên Review, …
Feedback của người dùng (Video Testimonial)
Đây là dạng video ghi lại những phản hồi, cảm nhận của khách hàng đã mua và sử dụng sản phẩm. Thường mình thấy rất hiếm khi khách hàng tự chủ động quay video review sản phẩm và đăng tải lên mạng xã hội, trừ các bạn TikToker mua sản phẩm về với mục đích review để kiếm tiền.
Còn lại, các doanh nghiệp, nhà bán hàng sẽ phải chủ động kết nối và xin phép khách hàng, sau đó tiến hành quay/ chụp những đoạn feedback đó và lên video.
Dưới đây là một số ví dụ về video review về feedback bạn có thể tham khảo.
Review những hình ảnh feedback từ khách hàng.
Xây dựng tình huống hài hước
Một video với tình tiết sáng tạo mang tính giải trí sẽ khiến cho nội dung của bạn bớt nhàm chán, giúp người xem tiếp cận thông tin một cách tự nhiên nhất. Phương thức này áp dụng với những sản phẩm không quá phức tạp, đã được biết đến nhiều trên thị trường hoặc người review chỉ muốn làm nổi bật một vài đặc điểm nhất định của sản phẩm.
Bên cạnh đó, nội dung review dạng này đôi khi cũng được xây dựng nhằm mục đích giải trí là chính. Tuy nhiên, dạng nội dung này không phổ biến và sẽ khó lên ý tưởng và thực hiện so với dạng review khác.
Nếu bạn vẫn chưa hình dung được dạng video này, bạn có thể xem ví dụ dưới đây.
https://www.tiktok.com/@checancook.3111/video/7297580382889823490
Video review sản phẩm dạng vlog hành trình
Trên Tiktok, dạng nội dung này thường thấy ở các reviewer về ẩm thực, địa điểm du lịch, khu vui chơi, spa, salon tóc, … Các Vlogger sẽ thường kể về hành trình mình tiếp cận sản phẩm/ dịch vụ ra sao, suốt quá trình bản thân trải nghiệm nó như thế nào. Dưới đây là một số ví dụ về video review dạng vlog hành trình.
@sunoididau Một góc Đà Lạt cách Hà Nội chỉ 40km. Nằm giữa đồi thông đón nắng, đón những năng lượng tích cực #tiktoktravel #dulich #dulichvietnam #socson #travel #reviewdulich
Với dạng review này, nhiều khi bạn chẳng cần chuẩn bị trước kịch bản. Đi đến đâu, gặp những cảnh đẹp – người xinh, bạn có sẵn thiết bị quay phim chuyên dụng như máy cơ, flycam… Thì hoàn toàn bạn có thể làm kênh, làm video dạng review vlog này một cách hiệu quả.
Như bạn thấy, dạng content này không yêu cầu kỹ năng viết lách, viết sáng tạo… gì quá cao siêu cả.
Mà bạn sẽ cần phân tích sâu lợi ích sản phẩm đối với người sử dụng (nếu sản phẩm bạn review thuộc ngành hàng Đồ gia dụng, Đồ công nghệ nhiều chức năng) [Tham khảo thêm bài viết về công thức viết content quảng cáo giúp bạn phân biệt rõ tính năng sản phẩm & lợi ích mang lại cho người dùng].
Hoặc bạn chỉ cần sẵn sàng trải nghiệm điều mới mẻ (mua kẹo chua, thử một outfit mới launch, hoặc đến một nơi đang được nhiều người kháo nhau check-in gần đây).
Review không giống quảng cáo, không cần bạn phải trưng trổ những kỹ thuật content phức tạp. Chỉ cần bạn đủ $$, đủ sự sẵn sàng để trải nghiệm và thử thách bản thân, cộng thêm… một ít may mắn khi làm kênh nữa.
Checklist giúp bạn có được video review sản phẩm xuất sắc
Khai thác thông minh các khía cạnh sản phẩm
Để kịch bản của bạn không bị lan man, dư thừa, ngược lại sẽ khiến cho khách hàng cảm thấy nội dung của bạn có giá trị, hãy chú ý đến những vấn đề sau đây:
– Tập trung vào lợi ích, đừng tập trung vào tính năng. Bởi lợi ích mới chính là điều khách hàng thực sự cần ở một sản phẩm. Cho dù tính năng của sản phẩm có tốt, có hay ho đến đâu nhưng nếu không đem lại giá trị gì cho khách hàng, họ cũng không cần thiết phải quan tâm làm gì cho mất thời gian phải không nào?
– Khách hàng mong đợi điều gì ở sản phẩm của bạn? Họ thực sự quan tâm đến những yếu tố, khía cạnh hay đặc tính nào của sản phẩm? Để trả lời được câu hỏi này, bạn phải có một bước nghiên cứu thật kỹ về hành vi, tâm lý, thói quen, nỗi đau, … của khách hàng.
Để hiểu khách hàng trên mạng xã hội một cách đơn giản và nhanh chóng nhất, bạn có thể tìm các nội dung review tương tự và đọc những câu hỏi dưới phần bình luận của độc giả, hoặc sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khoá để tìm hiểu xu hướng quan tâm của khách hàng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm hoặc theo dõi những nội dung có liên quan để đọc những chia sẻ thực tế của mọi người.
Ví dụ cho bạn: Với các sản phẩm thời trang cho gen Z, thứ mà các bạn quan tâm nhất không phải là chất liệu hay vấn đề bảo vệ môi trường (có, nhưng nó không phải đa số). Cái mà giới trẻ quan tâm nhất là ‘mặc lên người trông có khác biệt, có thời thượng, có tôn được cá tính bản thân lên không’. Minh chứng rõ nét là các video, các kênh làm review thời trang hàng đầu hiện nay trên TikTok đều làm dạng content ‘show-off’ outfit đẹp lên người, đi qua đi lại vài vòng. Thế là xong! Không cần những thứ content phức tạp như ‘chất vải mới’, ‘văn hóa thời trang’ hay ‘eco-friendly’ gì cả.
Bên cạnh đó, đừng quên trả lời cho khách hàng những câu hỏi sau:
– Sản phẩm này dành cho những đối tượng nào?
– Sản phẩm này khi sử dụng trông như thế nào hoặc thể hiện những đặc tính nào?
– Ưu/ nhược điểm của sản phẩm là gì?
– Chất lượng/ giá thành sản phẩm của bạn đang ở phân khúc nào trên thị trường?
– Cách sử dụng và những lưu ý khi sử dụng sản phẩm.
– Bạn có nên bỏ tiền ra mua sản phẩm này hay không?
– Mua sản phẩm này như thế nào?
Chú trọng khai thác niềm tin khách hàng
-
Hình ảnh/ video cần chân thực nhất có thể.
Ví dụ, bạn muốn review về sản phẩm kem che khuyết điểm, bạn nên ưu tiên sử dụng hình ảnh thật hoặc chỉnh ảnh sao cho chân thực nhất, góc máy cận cảnh, rõ nét, ánh sáng tốt, không nên lạm dụng các loại filter hoặc app chỉnh hình. Reivew khác quảng cáo ở chỗ bạn cần chân thực ‘show-off’ từ tình trạng da, chất của sản phẩm, cho đến kết quả ngay sau khi bạn bôi sản phẩm lên da xong.
-
Cái nhìn toàn diện, tốt có xấu có.
Chắc chắn là không có sản phẩm nào hoàn hảo 100%. Kể cả một sản phẩm có tốt như thế nào đi chăng nữa thì không phải mọi đặc điểm của nó đều tốt nhất trên thị trường và làm hài lòng 100% khách hàng. Nếu bạn chỉ chăm chăm tìm cách phóng đại, nói quá về sản phẩm của mình, nội dung của bạn sẽ trở thành nội dung quảng cáo chứ không phải là review nữa. Khách hàng ngày nay thừa thông minh để biết là bạn đang ‘quăng miểng’ hay nói sự thật về sản phẩm.
Nếu như bạn review một sản phẩm chỉ để tạo thương hiệu cá nhân mà không có nhu cầu bán sản phẩm đó, bạn chỉ muốn xây kênh để bán những sản phẩm chất lượng khác thì bạn có thể khen chê thoải mái theo quan điểm cá nhân của mình. Tuy nhiên, nếu như bạn review sản phẩm mà muốn kiếm doanh thu từ chính sản phẩm đó, bạn cần khen/ chê sao cho “đúng mực” để vừa tạo niềm tin của khách hàng, vừa không ảnh hưởng tới doanh thu của mình.
Như vậy sẽ có hai vấn đề sau đây:
Thứ nhất: Chính bạn cũng cảm thấy sản phẩm đang trải nghiệm không có điểm nào để chê.
Thứ hai: Sản phẩm có điểm bạn không hài lòng, nhưng bạn không biết chê như thế nào cho khéo léo. Vậy thì hãy tinh tế lựa chọn ra những yếu tố không quá ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng. Ví dụ, bạn đang review sản phẩm nước uống collagen, bạn có thể thể hiện sự không hài lòng về bao bì sản phẩm; trong khi vẫn đề cao chất lượng và công dụng của sản phẩm.
Kết
Như vậy, bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu cách triển khai video review sản phẩm sao cho hiệu quả trên nền tảng Tik Tok. Cho dù bạn là một Freelancer chuyên review, một KOL Tiktok hay một người chuyên viết nội dung cho các doanh nghiệp, bạn đều có thể dễ dàng áp dụng những kiến thức trên. Chúc bạn tạo nên những nội dung hay, đem lại cho bạn hoặc doanh nghiệp sự uy tín cũng như nguồn doanh thu ấn tượng. Hẹn gặp lại bạn ở những bài chia sẻ sau!
Tác giả: Nhung Phan
- 8 Cách Chơi Chữ Trong Content Creation Giúp Thương Hiệu Thuyết Phục Khách Hàng
- Học Content Creator là gì? Nghề này có sang chảnh như lời đồn?
- Tìm công việc Freelancer cho người mới bắt đầu: Hướng dẫn chi tiết
- [Review] Content Research Tool: Semrush 2024 cho SEOer
- Từ khóa đuôi dài là gì? Kỹ thuật seo từ khóa Longtail Keyword