Bạn muốn trở thành một freelancer được săn đón? Một portfolio ấn tượng chính là chìa khóa! Portfolio như là một tấm gương “phản chiếu” trình độ, kỹ năng của một freelancer, và nó cung cấp cho khách hàng thấy toàn bộ quá trình freelancer làm việc và phát triển theo thời gian. Bài viết sẽ bật mí cách làm portfolio cho freelancer mới vào nghề, cùng tìm hiểu nhé.
Portfolio là gì?
Portfolio (hồ sơ năng lực) là bộ tổng hợp toàn bộ các dự án mà cá nhân hoặc tổ chức đã thực hiện trong quá trình học tập và làm việc. Đây không chỉ là “nơi” thể hiện kỹ năng, kinh nghiệm, thành tựu… mà còn là bức tranh năng lực chung của mỗi cá nhân.
Thông qua portfolio, nhà tuyển dụng/ đối tác/ khách hàng có thể đánh giá trực quan khả năng của từng cá nhân, từ đó xác định mức độ phù hợp với vị trí họ đang tìm kiếm. Chính vì vậy, portfolio cho freelancer đã trở thành một cách giúp ứng viên ghi điểm, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho khách hàng.
Tại sao portfolio lại quan trọng với freelancer?
Portfolio không chỉ là công cụ giúp freelancer trình bày năng lực làm việc mà còn là cách để chứng minh kết quả, thành tích trước đây với khách hàng tiềm năng. Trong một thị trường đầy cạnh tranh, portfolio là yếu tố giúp bạn nổi bật và thuyết phục khách hàng bạn chính là lựa chọn đúng đắn.
Một portfolio cho freelancer ấn tượng không chỉ dừng lại ở việc hứa hẹn mà còn mang đến những minh chứng rõ ràng về kỹ năng và thành tựu của bạn. Thông qua hình ảnh, video, và các dự án tiêu biểu, bạn có thể:
- Truyền tải thông điệp và giá trị của mình một cách sinh động và cuốn hút.
- Cung cấp bằng chứng thực tế rằng bạn có thể thực hiện những gì đã hứa với khách.
Khi làm tốt hai điều này, bạn sẽ tạo được ấn tượng đầu tiên mạnh mẽ, xây dựng lòng tin và mở ra cơ hội hợp tác dài hạn với khách hàng.
Cách làm portfolio cho freelancer chuyên nghiệp
Cách làm portfolio cá nhân hiệu quả, thuyết phục được khách hàng/ đối tác cần tuân theo các tiêu chí sau:
- Tập trung vào điểm mạnh: Lựa chọn những dự án tiêu biểu nhất, thể hiện rõ nhất kỹ năng và phong cách làm việc của bạn.
- Truyền tải câu chuyện: Mỗi dự án không chỉ đơn thuần là một sản phẩm, mà còn là một câu chuyện về quá trình sáng tạo, giải pháp và kết quả đạt được.
- Dễ dàng điều hướng: Cấu trúc portfolio rõ ràng, giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy thông tin cần thiết.
- Hình ảnh chất lượng cao: Hình ảnh sắc nét, bố cục đẹp mắt sẽ tạo ấn tượng trực quan mạnh mẽ.
- Nội dung súc tích, rõ ràng: Mô tả ngắn gọn, tập trung vào những điểm nổi bật của mỗi dự án.
Biến tên gọi/ đặc điểm riêng của bạn thành “thương hiệu cá nhân”
Portfolio cá nhân chính là nơi để bạn quảng bá thương hiệu của mình. Một cách thú vị để gây ấn tượng với đối tác/ khách hàng là thiết kế một biểu tượng mang dấu ấn cá nhân.
Bạn có thể biến tên mình thành một logo và sử dụng nó xuyên suốt trong portfolio, hoặc dùng cú pháp tên của bạn + chuyên môn công việc chính. Ví dụ: nếu tên bạn là Nguyễn Văn An và bạn mở dịch vụ thiết kế, bạn có thể tạo tên thương hiệu là “An Design” hoặc “An Studio”.
Điều này không chỉ giúp portfolio trở nên chuyên nghiệp hơn mà còn giúp khách hàng dễ dàng ghi nhớ thương hiệu cá nhân của bạn đấy.
Bạn cũng có thể thiết kế logo và hình ảnh đại diện mang đậm cá tính của bạn. Màu sắc, font chữ, và phong cách thiết kế nên phản ánh những giá trị mà bạn muốn truyền tải.

Hãy tạo một câu slogan ngắn gọn, dễ nhớ và thể hiện được giá trị cốt lõi của thương hiệu.
Ví dụ, Thạch sử dụng màu tím – vàng – cam làm tông màu chủ đạo xuyên suốt các nền tảng (website, Facebook, TikTok), dùng font chữ không chân hiện đại giúp người đọc/ người xem được nội dung của Thạch dễ dàng ghi nhận thông tin.
Đồng thời, phong cách thiết kế hình ảnh, video của Thạch không theo trường phái ‘chỉ đen và trắng’, mà nó sẽ thiên hướng màu sắc, rực rỡ đôi chút để ‘minh họa’ năng lực biến hóa khi làm sáng tạo nội dung trên nhiều kênh, cho nhiều khách hàng khác nhau của Thạch.
Tập trung vào chất lượng, thay vì số lượng
Một sai lầm phổ biến khi freelancer tổng hợp portfolio là cố gắng nhồi nhét quá nhiều dự án, quy mô lớn nhỏ khác nhau. Điều này khiến người xem được hồ sơ của bạn dễ bị “quá tải,” khó nhận diện được đâu là thế mạnh của bạn.
Thay vì liệt kê tất cả, hãy tập trung chọn lọc những dự án tiêu biểu nhất—thể hiện rõ nét kỹ năng chuyên môn và giá trị bạn đã mang lại cho khách hàng trước đây. Số lượng không quan trọng bằng chất lượng.
Mỗi dự án như một viên ngọc quý, phản ánh một giai đoạn khác nhau trong hành trình sáng tạo của Thạch. Ví dụ portfolio của Thạch dùng để ‘mời chào’ các khách hàng mới, Thạch sẽ cập nhật theo dòng thời gian, đưa dự án (kèm kết quả đạt được) lên trang đầu tiên.

Tổng thể portfolio chỉ đề cập khoảng 5 đến 7 dự án thực sự nổi bật, mang lại giá trị (hay kết quả) tốt nhất cho khách hàng, hoặc dự án khiến Thạch tự hào nhất/ yêu thích nhất vì nó đã phát triển bộ kỹ năng mới cho mình.
Cách làm portfolio cá nhân chuẩn: Tập trung vào kỹ năng cốt lõi của bạn
Thay vì dàn trải năng lực vào nhiều lĩnh vực khác nhau (dù bản thân Thạch đi rất nhiều doanh nghiệp, đã làm nhiều mảng đòi hỏi những kỹ năng đa dạng khác nhau trong content marketing), Thạch chỉ tập trung chuyên sâu vào BỨC TRANH TỔNG THỂ (tương đương kỹ năng lập chiến lược – kế hoạch – KPI – đo lường kết quả mà content mang lại).
Thay vì cố liệt kê cho bằng hết những kỹ năng khác nhau của nghề content: viết báo chí, viết SEO, biên tập bài SEO, chăm sóc fanpage, viết kịch bản video, hậu kỳ video… Nhiều quá!
Bằng cách này, Thạch có thể chứng minh với khách hàng kết quả cuối cùng (tăng trưởng các chỉ số hiệu quả marketing) khi họ hợp tác với mình, và đấy cũng là cái họ mong muốn ở một người làm content cấp độ chiến lược!
Người làm content freelance giỏi không phải chỉ biết mỗi khâu thực thi (viết content, làm hình, làm video…); mà còn cần biết lập kế hoạch chiến lược, hoạch định những gì cần thiết cho khách hàng. Đây là thứ Thạch cần tập trung làm nổi bật trong portfolio.
Ngoài ra, đối tượng khách hàng doanh nghiệp Thạch chọn là SME và startup, đây là tệp yêu cầu rất cao khả năng thực thi ở đối tác content creator/ planner của họ. Ngoài kia có rất nhiều người vỗ ngực tự xưng ‘chuyên gia’, rất nhiều người viết được bài SEO, biết đăng bài Fanpage, làm được video ngắn… Vì vậy, Thạch cũng cần đề cập qua những kỹ năng thực chiến nào Thạch đã có, cho vào portfolio của mình.
Cách làm portfolio cá nhân hiệu quả: Đưa số liệu thực tế vào
Một trong những yếu tố then chốt khi làm portfolio cho freelancer/ solopreneur là chứng minh hiệu quả công việc của bạn. Nếu có số liệu cụ thể như lượt truy cập, tỷ lệ chuyển đổi, hay doanh thu tăng trưởng, đây chính là cơ hội để bạn làm nổi bật giá trị mình mang lại.
Tuy nhiên, không phải lúc nào số liệu cụ thể cũng sẵn có. Trong trường hợp này, hãy tập trung vào những chỉ số gián tiếp như phản hồi tích cực từ khách hàng, sự phát triển đáng kể của thương hiệu, hoặc các thay đổi rõ rệt mà bạn đã góp phần tạo nên.

Chẳng hạn trước đây, Thạch đã hỗ trợ xưởng tranh mica EPeBen tại Hà Nội lập kế hoạch content, phát triển website (kéo được lượng traffic đáng kể chỉ sau 3 tháng làm web), làm nội dung SEO, xây kênh TikTok và fanpage đã bắt đầu có đơn hàng. Đây là những minh chứng rất thuyết phục về năng lực lập kế hoạch và thực thi content của Thạch cho SME/ startup. Và dĩ nhiên là Thạch đã đưa nó vào portfolio của mình rồi!
Ghi rõ vai trò của bạn trong từng dự án
Hãy mô tả ngắn gọn vai trò chức vụ, nhiệm vụ bạn đảm nhiệm trong từng dự án để khách hàng của bạn nắm rõ vai trò của bạn trong đó.
Ngoài ra, để xây dựng lòng tin, bạn cũng nên trình bày rõ quy trình làm việc của mình. Cụ thể là bạn đã hoàn thành dự án như thế nào, từng giai đoạn kéo dài bao lâu, và những công cụ nào đã hỗ trợ bạn trong quá trình làm việc.
Đây cũng là cơ sở để bạn thiết kế lộ trình làm việc chuyên nghiệp khi ‘freelancing’/ ‘solo-ing’ và đặt ra trách nhiệm/ bộ KPI cho bản thân trong các dự án tiếp theo đấy!
Đặt dự án nổi bật nhất/ mới nhất lên trên cùng
Đặt dự án nổi bật nhất/ mới nhất lên trên cùng để chứng minh khả năng của bạn. Hãy chọn một dự án đã mang lại những kết quả ấn tượng, như tăng trưởng doanh số, cải thiện tỷ lệ chuyển đổi, hoặc nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Điều này sẽ giúp bạn tạo dựng niềm tin và thuyết phục khách hàng lựa chọn dịch vụ của mình.
Với Thạch, Thạch chọn đặt dự án cá nhân “Thạch Làm Content” lên trên cùng khi làm portfolio. Đây là dự án tâm huyết của Thạch, nhằm thực hiện sứ mệnh ‘mang lại giá trị hữu ích và cảm hứng sáng tạo nội dung cho người tự học, tự làm content’.
Một tín hiệu rất tích cực, là các chỉ số về traffic, lượt click (website), lượt follow & tương tác, thả tim trên mạng xã hội của Thạch Làm Content đang tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối năm 2024. Thành công bước đầu của dự án này không chỉ chứng minh khả năng của Thạch trong việc tạo ra nội dung chất lượng, mà còn thể hiện khả năng tư duy chiến lược và khả năng làm việc độc lập (rất khớp với kỹ năng lõi và định vị thương hiệu cá nhân của Thạch).
Một ví dụ về portfolio mẫu tiếng Việt xịn sò trong giới “tự do – tự lo”
Xem chi tiết Portfolio mẫu tiếng Việt tại đây.
Hãy xem Portfolio của anh này, là một Digital Marketer, Solopreneur. Tại trang chủ, Hoàng Ân cung cấp cho người xem một cái nhìn tổng quan về kinh nghiệm của mình. Anh cho mọi người thấy được số năm kinh nghiệm, số dự án, đối tác và các dự án riêng của mình.

Tại phần đầu của Portfolio, bạn nên xuất hiện mặt mình trong đó, nên sử dụng hình ảnh thể hiện phong thái tự tin và tự nhiên nhất của mình để tạo thiện cảm.
Tiếp đến, anh Hoàng Ân giới thiệu về thế mạnh của bản thân cũng như những dịch vụ mà anh cung cấp. Sử dụng thanh đánh giá để khách hàng dễ dàng “ước lượng” được năng lực của cá nhân. Cùng với đó, tại phần kinh nghiệm làm việc anh để những mốc làm việc của cá nhân để khách hàng thấy rõ được lộ trình phát triển.

Tuy nhiên, tại phần kinh nghiệm làm việc này bạn có thể thêm câu chuyện ngắn về cá nhân hoặc một thành tựu nổi bật như: “Với hơn X năm kinh nghiệm, tôi đã giúp hơn Y khách hàng tăng trưởng doanh thu lên đến Z% nhờ chiến lược Digital Marketing toàn diện”
Các dự án và brand hợp tác nên hiển thị các dự án cụ thể, nhưng cần nhấn mạnh hơn vào các thương hiệu có uy tín để tạo ấn tượng mạnh. Đặt những dự án hoặc brand nổi bật (như các công ty lớn hoặc dự án thành công nhất) lên đầu danh sách. Điều này giúp xây dựng sự tin tưởng ngay lập tức.
Trong phần giới thiệu các dự án, nên giới thiệu bao quát về đơn vị hợp tác để người xem có thể thấy được quy mô của dự án. Sau đó, bạn cần cho họ thấy được kết quả cũng như vai trò của bạn trong dự án đó. Phần này nên trình bày ngắn gọn, không quá dài dòng và nên sử dụng hình ảnh minh họa cho từng dự án.

Khi thiết kế Portfolio, cần chú ý:
- Phần giới thiệu thế mạnh và dịch vụ nên cụ thể hóa bằng các số liệu và kêu gọi hành động rõ ràng.
- Phần kinh nghiệm làm việc cần kể thêm câu chuyện cá nhân hoặc làm nổi bật các thành tựu quan trọng.
- Phần dự án tiêu biểu cần ưu tiên các thương hiệu uy tín, sử dụng hình ảnh minh họa và testimonial để tạo sức hút mạnh mẽ hơn.
Điều quan trọng trong cách làm portfolio cho freelancer: Cập nhật thường xuyên
Portfolio của bạn không phải là một bản hồ sơ cố định, mà là một tài liệu sống, cần được cập nhật thường xuyên để phản ánh sự phát triển và thành tựu mới nhất của bạn. Điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực content, nơi mà xu hướng và yêu cầu luôn thay đổi không ngừng.
Với Thạch, cứ mỗi 3 đến 6 tháng, Thạch sẽ dành thời gian xem xét và làm mới portfolio của mình. Sau mỗi dự án thành công hoặc cột mốc đáng nhớ, tôi thường thay thế những sản phẩm cũ không còn phù hợp hoặc chưa đủ ấn tượng. Không chỉ cập nhật nội dung, tôi còn thử nghiệm các cách trình bày khác nhau, chẳng hạn như bổ sung video giới thiệu bản thân hoặc minh họa dự án để tạo cảm giác sinh động và chuyên nghiệp hơn. Việc này không chỉ giúp portfolio luôn tươi mới mà còn để lại ấn tượng sâu sắc hơn với người xem.
Tham khảo:
Viết Proposal Cho Freelancer Trên Upwork: Bí Kíp Hoàn Hảo Từ Các Freelancer Hàng Đầu
Các Trang Web Cho Content Freelancer Tốt Nhất (2023-2024)
Chiến Thuật Group Seeding Giúp Freelancers Quảng Bá Thương Hiệu, Thu Hút Khách Hàng Hiệu Quả
Kết luận
Portfolio là công cụ mạnh mẽ để bạn khẳng định bản thân trên thị trường freelancer. Một Portfolio cho freelancer tốt không chỉ thể hiện năng lực mà còn giúp bạn xây dựng lòng tin với khách hàng, từ đó dễ dàng tạo ra các cơ hội hợp tác mới. Mong rằng bản Portfolio tiếng Việt trên đã cho bạn những gợi ý hữu ích về cách làm portfolio cho riêng mình.
Tác giả: Hiếu Nguyễn – Thạch Trần
- Nghệ Thuật Dùng Hình Minh Họa Trong Content: Bí Quyết Tạo Nội Dung “Bùng Nổ” Tương Tác
- Bí Quyết Xây Dựng Quan Hệ Với Khách Hàng Cho Freelancer: Hướng Dẫn Chi Tiết Từ A Đến Z
- Hiểu Rõ 4 Loại Search Intent (Ý Định Tìm Kiếm) Trong SEO: Bí Quyết Tối Ưu Nội Dung Lên Top Google 2025
- Solopreneur Là Gì? Lộ Trình Trở Thành Solopreneur Thành Công?
- Bí Thuật Viết Call To Action Hiệu Quả Gấp 3 Lần Mà Không Chuyên Gia Copywriting Nào Muốn Bạn Biết