Kỹ thuật Brainstorming (công não, bão não) là một phương pháp khơi gợi sáng tạo nổi tiếng trên thế giới, được sử dụng để nhanh chóng tạo nên danh sách những ý tưởng mới lạ, đột phá để giải quyết một “đề bài” sáng tạo nào đó. Brainstorming được ứng dụng trong quá trình sản xuất nội dung như thế nào? Solo-ers nên áp dụng thế nào cho hiệu quả? Cùng thachlamcontent khám phá nhé.
Brainstorming là gì?
Khái niệm kỹ thuật brainstorming được phát triển bởi ông trùm ngành quảng cáo Alex Faickney Osborn. Từ những năm 1948, trong bối cảnh Osborn phát hiện ra vấn đề về sự bế tắc ý tưởng của các nhân viên cấp dưới. Ông đã quyết định gộp họ vào một phòng và để mọi người “vắt óc” nêu ra mọi ý tưởng, dù nó có nhảm nhí hay điên rồ nhất.
Từ đó, phương pháp Brainstorming đã được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực như học thuật, kinh doanh, sáng tạo, giải trí, … và chứng minh tính hiệu quả cho đến tận ngày nay.
Chúng ta có thể định nghĩa cụm từ Brainstorming như sau.
kỹ thuật brainstorming là quá trình sáng tạo của một người hoặc một nhóm người với nhau, nhằm tiếp cận vấn đề theo hướng tư duy rộng, phá vỡ các khuôn mẫu, không chịu sự gò bó bởi các “lối mòn” định kiến.
Bạn có thể tự do suy nghĩ bất kỳ ý tưởng nào, nghĩ đến đâu liệt kê đến đó, tìm ra càng nhiều ý tưởng càng tốt, kể cả những ý tưởng nghe có vẻ bất khả thi. Việc tranh luận, phản biện hay chọn lọc, bác bỏ chỉ được thực hiện sau đó, khi chuyển sang giai đoạn đánh giá kết quả.
Brainstorming được ứng dụng trong ngành Sáng tạo Nội dung như thế nào?
Khái niệm này được ứng dụng nhiều nhất trong các creative agency, chuyên thực hiện những chiến dịch quảng bá thương hiệu – truyền thông sáng tạo.
Thông thường, các thành viên trong team agency sẽ ngồi lại với nhau, huy động rất nhiều ý tưởng táo bạo, tăng cường tạo ra những thứ “crazy”. Cuối cùng chọn lọc ra những “ài-đia” tốt nhất, phù hợp với ngân sách từ khách hàng và khả năng triển khai thực tế.
Grab Vietnam là một thương hiệu gọi xe và giao đồ ăn luôn được các bạn trẻ yêu thích bởi nhiều chiến dịch sáng tạo. Trong đó không thể không kể đến “hàng giờ” kỹ thuật brainstorming để tìm ra những idea đột phá của team agency.
Chúng ta sẽ lấy từ team agency hoặc in-house marketing ra làm chuẩn. Quá trình brainstorm được chia thành các cấp độ sau.
Cấp internal
– Giữa các thành viên cùng 1 team.
Ví dụ, để lên ý tưởng cho một banner quảng cáo trên Facebook, Team Creative cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa Content Creator & Designer để cùng brainstorming ý tưởng (nội dung, thiết kế cho mẩu banner).
Nhân quy mô lên 1 chiến dịch, 1 thương hiệu, nhiều thương hiệu (clients) khác nhau, chắc chắn nếu chỉ brainstorm lắt nhắt, đụng task mới lật đật bổ não tìm ý tưởng thì sẽ không kịp tiến độ công việc.
Do đó, team agency cần ngồi xuống, mỗi thành viên sẽ tự “bật nảy” những ý tưởng sẵn có trong đầu mình. Sau đó, mọi người cùng nhau thảo luận, đẽo gọt để chọn ra những ý tưởng tiềm năng nhất. Cuối cùng là tạo proposal (bản đề xuất ý tưởng, chiến dịch truyền thông – marketing) để đưa ra 2-3 concept, big idea & hướng triển khai thực tế rồi gửi cho khách hàng.
– Giữa các team nội bộ với nhau.
Ví dụ, sau khi nhận được phản hồi từ cấp trên về một vấn đề nghiêm trọng xảy ra đối với hình ảnh truyền thông của công ty. Các team nội bộ bao gồm team nhân sự, team truyền thông – marketing, bộ phận chăm sóc khách hàng, … có thể ngồi lại với nhau để phân tích tình hình. Brainstorming để tìm ra nguyên nhân và lên phương án giải quyết khủng hoảng truyền thông.
Mỗi bộ phận sẽ đưa ra các ý tưởng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của phòng ban mình hoặc đề xuất liên quan tới chiến lược chung của công ty. Sau đó, các team sẽ cùng thảo luận, góp ý, phản biện lẫn nhau để tổng kết lại một quy trình xử lý hiệu quả và ăn khớp nhất giữa các bộ phận trong công ty.
Team Creative tại agency/ truyền thông in-house ứng dụng brainstorming trong công việc như thế nào?
Trong bài viết gốc trên trang Spiderum.com, cụ thể quá trình brainstorm và chốt sổ idea cho chiến dịch “Có Ottogi – Thỏa sức thương đi” gồm các bước sau.
- Xác định tệp khách hàng mục tiêu: chủ yếu là gen Z tại Việt Nam
- Mục tiêu: tạo ra 1 chiến dịch truyền thông thúc đẩy lan truyền (viral-ing) trong giới trẻ cho chương trình khuyến mãi mì tương đen Ottogi → kích doanh số mua mì và tăng brand love trong tâm trí khách hàng.
- Phân tích tâm lý – hành vi KHMT:
- Gen Z thích các brand mới lạ.
- Họ đang trong độ tuổi tràn ngập năng lượng và cảm xúc đối với cuộc sống.
- Họ yêu thích slang (tiếng lóng) & có các cách chơi chữ thú vị.
- Thời điểm bung camp dự kiến: Khi gen Z bắt đầu quay lại trường học sau thời gian dãn cách do Covid.
- Xác định Concept (Chủ đề lớn) Big Idea (Ý tưởng lớn): Ăn mì tương đen tỏ tình; Ăn mì tương đen thể hiện tình cảm với mọi người & cuộc sống.
- “Chuyển” idea từ client brief là “các câu quotes troll khách hàng dịp Valentine đen” thành “các câu thả thính vui tai”. Chốt idea cuối cùng là THẺ CÀO THẢ THÍNH (Không trúng quà thì cũng dùng để tỏ tình crush hoặc bày tỏ tình cảm với người thương).
Như bạn thấy hen, không phải tự dưng mà ý tưởng có thể đến một cách bất thình lình trong một khoảnh khắc mà không có sự chuẩn bị – nghiên cứu trước. Team agency đã phải dày công nghiên cứu – tổng hợp thông tin về hành vi & tâm tư của gen Z.
Rồi team phải ngồi phân tích & chọn lọc ra những “ý tưởng tiềm năng” (THẺ CÀO TROLL người không trúng giải cũng là 1 idea khá hay, bên cạnh idea được chọn cuối cùng là THẺ CÀO THẢ THÍNH).
Cuối cùng là brainstorming trong giai đoạn thực thi chiến dịch IMC (truyền thông tiếp thị tích hợp); để tạo ra những tấm poster, banner chạy trên khắp các trang mạng xã hội & kênh truyền thông đại chúng.
Như vậy, brainstorming có khó không, có cực không? Câu trả lời là CÓ! Nhưng, cái gì cũng cần kỹ thuật và quy trình thích hợp, đặc biệt đối với những bạn đang làm solo-workers với nguồn lực hữu hạn. Bạn sẽ khó mà tận dụng được lợi thế về sức người – sức của như 1 agency hoặc team marketing in-house chuyên nghiệp.
Cái bạn có thể làm tốt nhất, chính là không ngừng học hỏi cái hay của người khác, ghi chép những ý tưởng tuyệt vời từ các campaign bạn thích. Rồi học cách áp dụng, “quy trình hóa” những ý tưởng ngẫu hứng của bạn thành 1 QUY TRÌNH BRAINSTORM KHOA HỌC, THƯỜNG XUYÊN.
Cấp external
Brainstorming cũng có thể được sử dụng trong các cuộc họp với đối tác, khách hàng, liên quan đến hoạt động trao đổi thông tin, thống nhất ý tưởng và giải pháp để đáp ứng mục tiêu mong đợi của 2 bên.
Rất nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới cũng sử dụng phương pháp brainstorming để khuyến khích nhân viên sáng tạo và tạo nên những ý tưởng đột phá.
Tại Amazon, Giám đốc điều hành Jeff Bezos thường tổ chức brainstorming trong các buổi họp và khuyến khích nhân viên thảo luận ý tưởng. Trong buổi họp này thường có thêm một chiếc ghế trống, tượng trưng cho khách hàng, nhằm nhắc nhở mọi người hãy tập trung mọi ý tưởng để giải quyết vấn đề xoay quanh khách hàng của mình.
Jeff Bezos còn đặt ra quy tắc trong mọi buổi brainstorming rằng: số người tham gia họp chỉ nằm trong số mà 2 chiếc bánh pizza có thể đủ dùng, nghĩa là chỉ từ 6 đến 10 người.
Hay như IBM – tập đoàn về công nghệ máy tính đa quốc gia với quy mô lớn nhất thế giới thường tổ chức sự kiện brainstorming mang tiên Jam” để tập trung vào những vấn đề cụ thể. Điển hình là sự kiện Jam năm 2006 với hơn 150.000 người từ 104 quốc gia và 67 công ty tụ họp về đây để sản sinh ra 10 ý tưởng mới. Sau đó, 100 triệu USD đã được đầu tư để phát triển các ý tưởng đó.
Tại Google, trong mỗi buổi brainstorming, mỗi người sẽ nghĩ ra 10-20 ý tưởng khác nhau. Một buổi có thể kéo dài từ 2-3 tiếng nếu nghiên cứu một tính năng nhỏ hoặc cả ngày với một tính năng lớn. Bên cạnh đó, Google cũng sử dụng một bài tập mang tên “con số 8 điên khùng”. Cụ thể, mỗi người sẽ phải nghĩ ra 8 ý tưởng trong vòng 8 phút để giải quyết vấn đề hiện tại.
Quy trình 05 bước brainstorming “thần thánh”
Các kỹ thuật brainstorming trong content
Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật brainstorming được nhắc đến. Tuy nhiên, bài viết này sẽ chỉ liệt kê những phương pháp brainstorming được ứng dụng phổ biến tại Việt Nam, ứng dụng vô cùng hiệu quả cho người làm việc độc lập.
Đọc thêm: Chi tiết cách thức brainstorm trong quá trình làm content thực tế: liệt kê ý tưởng – sắp xếp theo cụm chủ đề – thêm thắt các yếu tố mới lạ/ sáng tạo.
a. Kỹ thuật công não ngược (reverse – brainsroming)
Kỹ thuật này tập trung vào mặt trái của vấn đề, tức là suy nghĩ vấn đề từ góc độ “đảo ngược” để tạo ra ý tưởng.
Ví dụ thay vì hỏi : “Chúng ta làm thế nào để lượt xem video trên tiktok tăng?”, chúng ta hãy hỏi: “Làm sao để khiến video bị Flop?“. Hay như trong chiến dịch Ottogi, bạn có thể đặt câu hỏi: “Giờ làm sao cho gen Z ‘ghéc’ mình ta?”.
Cách tiếp cận này sẽ giúp chúng ta tìm ra được nguyên nhân gốc rễ (do đánh giá vấn đề từ góc nhìn trái ngược). Rrất phù hợp cho những buổi công não liên quan đến phát triển kinh doanh, sản phẩm mới hay đi tìm Big Idea truyền thông mang tính đột phá.
Đọc thêm về Reverse Brainstorming.
b. Kỹ thuật tạo ra hàng loạt câu hỏi (Starbursting)
Bạn có thể sử dụng khung đặt câu hỏi 5W – 1H (Who-Ai, What-Cái gì, Where -Ở đâu, When-Khi nào, Why-Tại sao và How-Như thế nào)
Ví dụ khi cần lên ý tưởng xây dựng tuyến nội dung cung cấp thông tin & educate học viên tiềm năng -1; nội dung quảng bá cho khóa học CONTENT CREATION FOR NEWBIE SOLO-WORKERS -2.
Chúng ta hãy trả lời các câu hỏi sau.
-
Tuyến nội dung educate học viên tiềm năng:
-
- Who: Ai là khách hàng của bạn (solo-ers tự hỏi mình)?
- Why: Tại sao bạn cần biết làm sáng tạo nội dung? (Do người dùng, KHMT của bạn xuất hiện rất nhiều trên online; vì vậy bạn cần biết làm nội dung sáng tạo để tiếp cận & thu hút khách hàng).
- What: Bên trong công việc sáng tạo nội dung có những gì? (daily tasks, daily skills… có liên quan trực tiếp đến nội dung giảng dạy trong khóa học).
- Where: Bạn có thể sáng tạo & đăng tải nội dung mkt – branding lên những nơi nào?
- When: Khi nào thì bạn cần chủ động tự tạo nội dung cho biz của mình?
- How: Kỹ thuật, quy trình, công thức… đơn giản, dễ áp dụng: giúp bạn tạo ra nội dung sáng tạo để phục vụ cho biz của mình.
- Tuyến nội dung quảng bá khóa học CONTENT CREATION:
- Who: Ai cần học khóa CONTENT CREATION? (freelancers, solo-preneurs, doanh chủ công ty quy mô nhỏ).
- Why: Tại sao freelancers, solo-preneurs, DN nhỏ nên mua khóa học CONTENT CREATION?
- What: Khóa học giảng dạy những gì? (xác định thế mạnh, kỹ năng làm content website, copywriting, creative, video ngắn …).
- Where: Nội dung quảng bá khóa học có thể xuất hiện trên những nền tảng nào?
- When: Khi nào thì các solo-preneurs, freelancers sẽ bắt đầu “xuống tiền” sẵn sàng chi trả cho những khóa học nâng cấp kỹ năng làm STND?
- How: Thuyết phục, trình bày nội dung quảng cáo như thế nào để tăng tỷ lệ mua hàng?
Cơ bản thôi, dĩ nhiên trong từng topic bài viết sẽ có những bộ câu hỏi khác nữa. Chẳng hạn bài viết “Kỹ thuật brainstorm” này cũng được tác giả áp dụng bộ câu hỏi 5w-1h để brainstorm dàn ý và tìm kiếm thông tin viết bài đấy.
c. Phương pháp động não SCAMPER
Kỹ thuật scamper khuyến khích người động não xem xét ý tưởng từ mọi góc độ khác nhau dựa trên các từ gợi ý:
- Substitute – Thay thế: Bài quảng cáo dạng album ảnh không hiệu quả, có những phương án nào để thay thế?
- Combine – Kết hợp: Cần kết hợp những yếu tố gì để video TikTok “ăn đề xuất” đến tệp người xem mục tiêu?
- Adapt – Thích nghi: Điều chỉnh nội dung bài quảng cáo như thế nào để không vi phạm chính sách của Facebook?
- Modify – Sửa đổi: Cần sửa đổi hình ảnh & thông điệp banner như thế nào để thu hút nhiều người xem hơn?
- Put to another use – Đưa vào sử dụng khác: Trend này đang hot trên TikTok, mình có thể tận dụng để đưa vào kịch bản xây kênh như thế nào?
- Eliminate – Loại bỏ: Nếu ngân sách cho toàn campaign chỉ có 100 triệu thì mình nên loại bỏ những kênh truyền thông ít hiệu quả nào?
- Reverse – Đảo ngược: Big Idea cho chiến dịch này nên làm gì để khán giả ghét nhất? (Bạn có thể tìm xem quảng cáo ‘gợi d.ụ.c’ của Coolmate thời gian đầu tháng 10 2023).
d. 06 chiếc mũ tư duy
Phương pháp này giúp mọi người lên ý tưởng dựa trên các quan điểm, góc nhìn khác nhau. Theo đó, 6 chiếc mũ (trắng, đỏ, đen, vàng, xanh lá cây và xanh dương) đại diện cho 6 quan điểm (dữ liệu, trực giác, tiêu cực, tích cực, sáng tạo, tổng quát) trên cùng một vấn đề.
Kỹ thuật này sẽ được mình phân tích rõ hơn trong 1 bài viết khác nhé.
e. Động não với Mindmap
Phương pháp sử dụng Mindmap – sơ đồ tư duy giúp chúng ta khai thác mọi khía cạnh của vấn đề một cách sâu hơn, rộng hơn. Cách này thường bắt đầu bằng một chủ đề hoặc một câu hỏi ở trung tâm, sau đó thêm các nhánh ý tưởng vào chủ đề chính. Từ mỗi ý tưởng đó, chúng ta lại thêm các nhánh ý tưởng bổ sung cho đến khi đầy đủ các ý tưởng liên quan.
f. Phân tích SWOT
Mô hình SWOT thường được sử dụng để đánh giá doanh nghiệp, dự án, sản phẩm, con người. Tuy nhiên, mô hình này cũng có thể áp dụng để brainstorming. SWOT là viết tắt của Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức).
Ví dụ, để xây dựng tuyến nội dung cho Fanpage giải trí trên Facebook, chúng ta có thể phân tích SWOT như sau:
- Điểm mạnh: Làm thế nào để fanpage của bạn nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh? (Về mặt nội dung, hình ảnh, tương tác, …).
- Điểm yếu: Những yếu tố nào khiến Fanpage của bạn tương tác kém hơn so với các Fanpage khác cùng nội dung?
- Cơ hội: Facebook đang đề xuất mạnh những dạng nội dung như thế nào? Người dùng Facebook đang quan tâm nhiều đến những chủ đề nào?
- Thách thức: Những nguy cơ tiềm ẩn khiến Fanpage bị bóp tương tác, đánh bản quyền, …
Như vậy, bài viết trên đã cung cấp cho bạn góc nhìn chi tiết về phương pháp brainstorming – phương pháp sáng tạo, giải quyết vấn đề nổi tiếng trên toàn thế giới. Bạn có thể áp dụng phương pháp này trong việc học tập, tăng năng suất trong công việc, phát triển tư duy và giải quyết mọi vấn đề diễn ra hằng ngày.
Dù là động não một mình, một khi bạn đã nắm được các kỹ thuật brainstorming, bạn sẽ dễ dàng gặt hái được nhiều trái ngọt trong công việc và cuộc sống.
Tác giả: Nhung Phan, Bảo Thạch