[SME Nên Đọc] Hướng Dẫn Cách Tối Ưu SEO Cho Ngành Y Tế Hiệu Quả Kèm Case Study

huong-dan-toi-uu-seo-hieu-qua-cho-nganh-y-te
Reading Time: 12 minutes

Ngành y tế ngày càng phát triển do nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng cao và mức sống của người dân cũng được cải thiện. Khi làm SEO cho lĩnh vực này, tính chuyên môn cũng như các luật lệ chặt chẽ về tiêu chuẩn nội dung đặt ra khó khăn cho người làm SEO. Để gia tăng uy tín với khách hàng mục tiêu cũng như tạo được lợi thế cạnh tranh trong ngành, hãy cùng Thạch Làm Content tìm hiểu về cách làm SEO hiệu quả cho ngành y tế qua bài viết sau!

1. “Bắt bệnh” một số lỗi thường gặp khi làm SEO ngành y tế

Khi có mong muốn tìm kiếm dịch vụ y tế hoặc đọc các thông tin y học, bệnh nhân thường có xu hướng muốn tra cứu thông tin online trước để có căn cứ cân nhắc. Qua thực tế tổng hợp, Thạch Làm Content nhận thấy có một số lỗi phổ biến sau mà các website ngành y thường gặp phải:

cac-loi-thuong-gap-khi-lam-seo-nganh-y-te
Một số lỗi sai phổ biến khi làm SEO cho ngành y tế.

Nội dung chưa được tối ưu theo mục tiêu tìm kiếm của người dùng:

Đây luôn là ưu tiên hàng đầu của Google khi đánh giá bài viết. Dù bạn có sản xuất một số lượng lớn các bài viết, tối ưu kỹ thuật SEO… nhưng nếu bài không trọng tâm trả lời đúng câu hỏi của người dùng, khả năng lên top và lên top bền vững cũng sẽ rất thấp.

Thiếu sự tin cậy và tính chuyên môn trong nội dung:

E-E-A-T (Experience, Expertise, Authoritativeness, Trustworthiness) vốn luôn là yếu tố quan trọng để Google đánh giá chất lượng nội dung. Điều này lại càng quan trọng khi lĩnh vực hoạt động của bạn là y tế.

Trải nghiệm người dùng trên trang:

Các yếu tố như tốc độ tải trang, cấu trúc website, khả năng tích hợp với thiết bị di động hay màu sắc trang sẽ quyết định đến trải nghiệm của người dùng. Đây là một trong những tiêu chí giúp cả Google và người dùng đánh giá một trang web.

Không tận dụng được các yếu tố đa phương tiện:

Trên thực tế, hình ảnh và video mới thu hút người đọc hơn nhiều so với văn bản. Nếu bài viết chỉ có chữ hoặc hình ảnh không hấp dẫn, thiếu infographic hoặc video ở các nội dung giải thích thì sẽ rất nhàm chán cũng như không hiệu quả trong việc truyền tải thông tin quan trọng.

2. Cách tối ưu SEO ngành y tế để thu hút bệnh nhân

6-buoc-toi-uu-seo-hieu-qua-cho-nganh-y-te
6 bước hiệu quả để tối ưu SEO cho ngành y tế.

Bước 1: Nghiên cứu từ khóa sao cho sát với nhu cầu thực tế

Bước nghiên cứu từ khóa được thực hiện kỹ lưỡng mới SEO trong ngành y tế không chỉ xoay quanh từ khóa chuyên môn. Cần tập trung vào những từ khóa thể hiện nhu cầu thực tế của người bệnh, chẳng hạn:

  • Câu hỏi về triệu chứng: “Đau dạ dày kéo dài có nguy hiểm không?”
  • So sánh dịch vụ y tế: “Khám tổng quát ở đâu tốt tại TP.HCM?”
  • Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe: “Cách kiểm soát huyết áp tại nhà”

Gợi ý cách làm

  • Dùng Google Suggest, Google Trends để tìm ra các câu hỏi phổ biến.
  • Phân tích trang web đối thủ để tìm từ khóa họ đang xếp hạng.
  • Sử dụng công cụ như Ahrefs, SEMrush để xác định mức độ cạnh tranh của từ khóa.
  • Dùng Google Planner và Keywordtool.io để “cào” từ khóa.

Bước 2: Xây dựng nội dung chuẩn E-E-A-T

Với lĩnh vực y tế nói riêng và các trang YMYL nói chung, Google đặc biệt coi trọng E-E-A-T (trải nghiệm, chuyên môn, tính thẩm quyền, độ tin cậy) khi đánh giá. Bạn cần đi sâu vào nghiên cứu từng yếu tố trong E-E-A-T để biết cách tối ưu sao cho phù hợp với website. Cụ thể:

  • Trải nghiệm (Experience): Bạn nên ưu tiên mục tiêu là thu thập những câu chuyện, trải nghiệm thực tế của bác sĩ, chuyên gia với người bệnh hoặc người từng sử dụng dịch vụ y tế. Một số nguồn bạn nên đi tham khảo đó là khảo sát, chuyên trang y tế, diễn đàn sức khỏe, hội nhóm trên các trang mạng xã hội.
  • Chuyên môn (Expertise): Đây là lúc bạn cần thu thập kiến thức chuyên sâu, chính thống từ nguồn y khoa uy tín có giá trị tham khảo cao. Để có dữ liệu, bạn enen tra cứu tài liệu trên các cơ sở dữ liệu y khoa và website uy tín như WHO, CDC, PubMed hoặc Google Học thuật (Google Scholar). Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến hoặc mời bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực y tế tham gia kiểm chứng nội dung bài viết.
  • Tính thẩm quyền (Authoritativeness): Hãy hướng đến việc xây dựng độ thẩm quyền cho bài viết thông qua việc dẫn link từ các nguồn chính thống. Bạn có thể tham khảo từ các tổ chức y tế trong và ngoài nước hoặc những bệnh viện, trung tâm nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực y tế.
  • Độ tin cậy (Trustworthiness): Bài viết sẽ gia tăng độ tin cậy khi có trích dẫn các nguồn đã được xác thực hoặc có chứng thực thông tin. Do đó, hãy thu thập nhận xét, đánh giá thực tế từ bệnh nhân hoặc cộng đồng sử dụng dịch vụ y tế. Ngoài ra, nếu có thể, bạn nên công khai các chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, giải thưởng, chứng nhận chuyên môn hoặc các cam kết chất lượng dịch vụ y tế.

Tóm lại, muốn có nội dung chất lượng, đem đến giá trị cho người đọc, bạn cần đảm bảo:

  • Có chuyên gia viết hoặc kiểm duyệt nội dung: Đảm bảo thông tin được đưa vào bài đã qua kiểm duyệt, nhất là những nội dung có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người đọc. Ngoài ra, để tối ưu SEO, bạn nên đưa thông tin người viết và người kiểm duyệt là bác sĩ hoặc chuyên gia y tế vào bài để cả Google và người đọc đánh giá tính chính xác của nội dung cao hơn.
  • Trích dẫn từ các nguồn uy tín: Nếu có trích dẫn thông tin từ nguồn bên ngoài, bạn nên ưu tiên chọn từ các nghiên cứu, báo cáo từ các tổ chức y tế lớn (WHO, Bộ Y tế, CDC…) hoặc những chuyên trang có uy tín trong ngành.
  • Cấu trúc bài viết logic: Bài viết nên được chia rõ cấu trúc qua các tiêu đề heading (H1, H2, H3) sao cho dễ đọc, dễ hiểu và logic.
  • Có dẫn chứng từ thực tế: Nếu có thể, nên đưa thông tin từ các trường hợp cụ thể của bệnh nhân. Điều này không chỉ giúp tăng tính thuyết phục cho nội dung mà còn khiến bài viết của bạn trở nên đặc biệt hơn.

Bước 3: Cải thiện trải nghiệm người dùng (UX) và SEO kỹ thuật

Ngay cả khi nội dung tốt, đáp ứng mong muốn của người dùng nhưng nếu trang web tải chậm, khó đọc hoặc không thân thiện với thiết bị di động thì khả năng cao là người dùng vẫn sẽ rời đi. Một số yếu tố quan trọng bạn cần lưu ý:

  • Tốc độ tải trang: Nên lưu ý giảm dung lượng ảnh, sử dụng hosting tốt để trang tải nhanh hơn.
  • Tối ưu mobile-friendly: Website phải dễ đọc và xem bình thường trên điện thoại để đem lại cho người dùng trải nghiệm tốt nhất.
  • Các thẻ tiêu đề và CTA hấp dẫn: Tiêu đề, mô tả nội dung trên trang và các nút CTA cần rõ ràng ngắn gọn nhưng vẫn hấp dẫn để tăng sự thu hút với người đọc.
  • Sử dụng structured data (Schema Markup): Để Google tìm kiếm và phân loại trang web nhanh chóng, chính xác hơn.

Bước 4: Tận dụng đa phương tiện để tăng tương tác

Thông thường, nội dung bài viết SEO ngành y tế thường sẽ có tính chuyên môn cao và khó hiểu đối với người đọc phổ thông. Do đó, việc. sử dụng hình ảnh, video, infographic để thể hiện thông tin sẽ giúp quá trình tiếp nhận diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Một số gợi ý bạn có thể xem xét áp dụng trong quá trình thực hiện bài SEO:

  • Video giải thích được bác sĩ chuyên khoa quay: Một video ngắn từ 2-3 phút do bác sĩ quay có thể giải thích một chủ đề y khoa tốt hơn một bài viết dài hàng nghìn từ.
  • Infographic: Phương tiện hiệu quả để truyền đạt các thông tin về quy trình, các bước làm hoặc nội dung dài.
  • Ảnh minh họa: Hình ảnh chất lượng giúp bài viết trở nên thu hút hơn.

Bước 5: Xây dựng liên kết nội bộ và backlink từ các nguồn đáng tin cậy

Hiểu đơn giản thì liên kết nội bộ là các đường link trỏ từ trang này sang trang khác có nội dung liên quan đến nhau trong cùng một website. Ngược lại, backlink là những liên kết từ các website khác trỏ về website của bạn. 2 loại link này đều quan trọng để giúp bạn tối ưu SEO cho ngành y tế. Bởi nếu chỉ có backlink mà cấu trúc website yếu, không tận dụng được internal link thì backlink có mạnh đến mấy cũng sẽ vô nghĩa. Ngược lại, nếu không có backlink, bạn sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ hơn. Vậy nên bạn hãy:

  • Chú trọng xây dựng liên kết nội bộ: Bạn nên xây dựng hệ thống các bài viết SEO theo nhóm chủ đề để dễ dàng tạo liên kết nội bộ. Một lưu ý quan trọng các bài viết cần liên quan đến nhau thì dẫn link mới có giá trị.
  • Tạo backlink từ các trang uy tín: Hãy tận dụng cơ hội để được các trang báo, blog y tế, website bệnh viện dẫn nguồn đến trang web để tăng độ tin cậy của website trên Google.

Bước 6: Tối ưu SEO địa phương (Local SEO)

Thông thường, nhu cầu về y tế sẽ thường cần gần khoảng cách địa lý. Vì thế, việc làm Local SEO sẽ rất cần thiết. Một số điều quan trọng bạn cần lưu ý bao gồm:

  • Đăng ký trang web trên Google My Business với thông tin chính xác về phòng khám, bệnh viện.
  • Khuyến khích bệnh nhân để lại đánh giá trên Google để tăng độ uy tín.
  • Đưa thông tin địa chỉ, số điện thoại lên trang chủ và các trang quan trọng.

3. Phân tích Case Study tối ưu SEO cho ngành y tế

Trong lĩnh vực SEO ngành y tế, có website của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (https://tamanhhospital.vn/) làm rất tốt theo đánh giá của Thạch Làm Content. Thạch có dành thời gian phân tích cách Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai nội dung trên website và rút ra được khá nhiều điều hay ho trong việc tối ưu SEO mà nhiều đơn vị vừa và nhỏ trong ngành có thể học hỏi. Cụ thể:

Nội dung chất lượng, thông tin có dẫn chứng trích nguồn rõ ràng

Điểm Thạch đánh giá rất cao ở website này là: Đa số các bài viết đều có trích dẫn nguồn thông tin rõ ràng từ các tổ chức y tế uy tín, chuyên trang sức khỏe hoặc nghiên cứu cụ thể ở phần cuối bài hoặc ngay trong bài nơi thông tin được đưa vào. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc tối ưu SEO cho trong ngành y tế.

Như đã đề cập ở trên, Google rất khắt khe với nội dung liên quan đến sức khoẻ vì thuộc nhóm YMYL – Your Money Your Life. Việc trích nguồn này sẽ giúp tăng độ tin cậy (Trust) cho bài viết, đồng thời gia tăng tính thuyết phục của nội dung với người đọc.

toi-uu-seo-cho-bai-viet-tren-website-benh-vien-tam-anh
Các bài viết của bệnh viện đều có phụ lục nguồn tham khảo ở dưới bài.

Sự tham gia của các bác sĩ, chuyên gia

Website của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh không chỉ viết bài dưới dạng chia sẻ chung chung mà còn biến thông tin trở nên hữu ích, đáng tin cậy nhờ vào sự tham gia của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đang làm việc tại bệnh viện. Một số bài viết còn có hẳn phần tư vấn hoặc lời khuyên từ bác sĩ cụ thể, có tên tuổi, chức danh rõ ràng trong bệnh viện. Ngoài ra, trang web cũng đã xây dựng được profile chuyên gia trên trang. Những điều này đều rất tốt khi tối ưu SEO cho ngành y tế.

Nội dung ngắn gọn, đáp ứng đúng Search Intent (Nhu cầu tìm kiếm)

Một điểm mình khá thích ở cách viết content của trang web này là họ không tham viết dài lan man mà nội dung ngắn gọn, tập trung thẳng vào vấn đề người đọc quan tâm. Cấu trúc được trình bày rất logic, dễ đọc dễ hiểu cho những người tìm kiếm thông tin có thể nắm bắt nhanh.

toi-uu-seo-cho-bai-viet-tren-website-benh-vien-tam-anh-2
Nội dung bài viết trên website bệnh viện đa phần ngắn gọn, trọng tâm và được tối ưu định dạng dễ đọc.

Tối ưu Internal Link cực khéo

Nếu để ý, bạn sẽ thấy các bài viết trên trang có Internal Link nhưng không nhồi bừa bãi. Các link nội bộ được đặt đúng chỗ, đúng ngữ cảnh, dẫn người đọc đi tiếp đến thông tin liên quan mà không bị gượng ép. Điều này vừa tốt cho SEO, vừa tăng thời gian onsite cũng như trải nghiệm đọc của người dùng.

Cấu trúc trang dễ đọc, tốc độ tải trang nhanh, hình ảnh sát với nội dung bài

Mình đã trải nghiệm cũng như kiểm tra thì thấy tốc độ tải trang web mượt mà kể cả trên mobile. Ngoài ra, hình ảnh dùng trong bài hầu hết là hình chụp thực tế tại bệnh viện, không lấy ảnh stock và có liên quan đến nội dung. Điều này giúp các thông tin cung cấp trở nên chân thực hơn, đồng thời là một hình thức gián tiếp để quảng bá hình ảnh bệnh viện.

toi-uu-seo-cho-bai-viet-tren-website-benh-vien-tam-anh-3
Nội dung trên trang web của bệnh viện được phân nhóm dễ đọc.

4. Theo dõi hiệu quả SEO cho trang web y tế

Để đảm bảo trang web y tế của bạn duy trì vị trí tốt trên Google và tiếp cận đúng đối tượng bệnh nhân, bạn cần thường xuyên theo dõi hiệu quả SEO. Dưới đây là những công cụ quan trọng giúp bạn kiểm tra và tối ưu hóa hiệu suất trang web.

4.1. Dùng Google Search Console để theo dõi hiệu suất trang web

Google Search Console (GSC) là một công cụ miễn phí giúp theo dõi sát và tối ưu hóa hiệu suất trang web. Một số tính năng quan trọng bao gồm:

  • Kiểm tra thứ hạng từ khóa: Bạn có thể xem các bài viết trên trang đang có thứ hạng thế nào. Đây sẽ là căn cứ để bạn lên kế hoạch SEO cũng như tối ưu điều chỉnh nội dung nhằm cải thiện thứ hạng.
  • Xem số lần hiển thị và lượt nhấp: GSC sẽ cung cấp dữ liệu về số lần trang web xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm (impressions) và số lần người dùng nhấp vào trang (clicks) để bạn đánh giá mức độ quan tâm của người bệnh với các chủ đề trong bài viết.
  • Phát hiện lỗi kỹ thuật: Công cụ này cũng rất hữu ích trong việc phát hiện các sự cố như lỗi lập chỉ mục, trang không thân thiện với thiết bị di động hoặc tốc độ tải trang chậm. Đây là căn cứ để bạn nhanh chóng khắc phục lỗi nhằm tối ưu trải nghiệm trên trang.

Hướng dẫn các thao tác trên trang:

  • Truy cập Google Search Console và thêm trang web của bạn.
  • Vào mục Hiệu suất (Performance) để kiểm tra từ khóa và lượt hiển thị.
  • Vào mục Trang (Pages) để xem các lỗi kỹ thuật để từ đó lên kế hoạch về hướng khắc phục.

4.2. Theo dõi lưu lượng truy cập bằng Google Analytics 4 (GA4)

GA4 là công cụ chuyên dụng được sử dụng để cung cấp dữ liệu chi tiết về lượng truy cập và tương tác của người dùng trên trang. Điều này giúp bạn có cơ sở để phân tích hành vi người dùng cũng như tối ưu hóa nội dung sao cho thu hút hơn. Một số dữ liệu quan trọng bạn cần quan tâm trong GA4 khi làm SEO cho ngành y tế:

  • Số lượng người truy cập từ tìm kiếm Google
  • Thời gian người dùng dành ra trung bình trên trang
  • Tỷ lệ thoát (Bounce Rate)

Hướng dẫn các thao tác với GA4:

  • Truy cập GA4, lần lượt vào các mục Reports → Acquisition → Traffic Acquisition để xem nguồn truy cập tự nhiên.
  • Phân tích các trang có lượt xem cao, tiến hành tối ưu hóa nội dung dựa vào số liệu.
  • Kiểm tra tỷ lệ thoát và thời gian trên trang của người dùng để đánh giá mức độ hấp dẫn của nội dung cũng như xác định đâu là thông tin thu hút.

Tương tự như website ngành y tế, các trang hoạt động trong lĩnh vực luật và tài chính cũng yêu cầu content E-E-A-T (Kinh nghiệm, Chuyên môn, Uy tín, và Đáng tin cậy). Khi thực hiện bài viết SEO, bạn cần chú ý để đảm bảo tính chính xác của thông tin, có trích dẫn nguồn được cập nhật thường xuyên để thuyết phục người đọc tin tưởng cũng như gia tăng uy tín với bot Google.

Như vậy, Thạch Làm Content đã hướng dẫn bạn chi tiết về cách tối ưu SEO cho ngành y tế. Mong rằng những chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn làm SEO hiệu quả hơn. Đừng quên theo dõi các bài viết khác của trang để cập nhật nhiều kiến thức mới về Content cũng như đọc thêm các case study hay nhé!

Tác giả: Anh Nguyễn

Xem thêm bài viết của tác giả

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *