8 Cách Chơi Chữ Trong Content Creation Giúp Thương Hiệu Thuyết Phục Khách Hàng

chơi chữ trong content
Reading Time: 6 minutes
Chơi chữ là một trong những nghệ thuật ngôn từ đỉnh cao trong content marketing. Áp dụng lối chơi chữ vào việc sáng tạo nội dung không chỉ thể hiện cá tính độc đáo của thương hiệu mà còn gây “thương nhớ” mạnh mẽ với người xem. Vậy có những cách chơi chữ nào mà chúng ta có thể áp dụng để tạo nên những content đỉnh cao? Hãy tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!

1. Chơi chữ trong content là gì?

Có thể bạn chưa rõ định nghĩa cách chơi chữ là như thế nào, nhưng chắc hẳn bạn đã từng nghe đâu đó một vài câu nói quen thuộc như:
“Con cá đối nằm trong cối đá”
“Đầu tiên là tiền đâu”
“Tưởng không ngon mà ngon không tưởng”
“Hát hay không bằng hay hát”
Vậy thì tóm lại chơi chữ nghĩa là gì? Chơi chữ trong content là như nào ? Bạn có thể hiểu, cách chơi chữ là một hình thức tận dụng sự đặc sắc về âm tiết, đa dạng về ngữ nghĩa của câu từ để tạo nên những câu văn, câu thơ có tính chất nghệ thuật, dí dỏm, trào phúng hoặc mang tinh thần giáo dục cao.

Một số thương hiệu nổi tiếng thường xuyên áp dụng cách chơi chữ trong content:

chơi chữ trong content
Durex là thương hiệu rất thích chơi chữ, “nói khéo” về công dụng, đặc tính sản phẩm theo cách ý nhị và hài hước.
Durex – Thương hiệu số 1 thế giới về bao cao su và chất bôi trơn chất lượng cao thường xuyên sử dụng nghệ thuật chơi chữ trong content. Hay như Cocacola cũng ưa chuộng việc sử dụng lối chơi chữ vào các chiến dịch quảng cáo.

2. Có những cách chơi chữ nào trong content tiếng Việt?

Để chơi chữ, nhả từ một cách thuần thục không phải là chuyện dễ, hơn nữa để áp dụng nó vào trong việc sáng tạo nội dung, quảng bá sản phẩm, thương hiệu lại càng khó hơn.
Người làm content không chỉ cần vốn từ vựng phong phú mà còn phải giàu trải nghiệm trong cuộc sống, cộng thêm tư duy sáng tạo đỉnh cao. Tuy nhiên, chỉ cần áp dụng những cách chơi chữ dưới đây, bạn có thể tập tành và tự sáng tạo cho mình những câu chữ “để đời”.

2.1. Sử dụng từ đồng âm

Chơi chữ trong content là cách sử dụng những từ có cách phát âm giống nhau hoặc có cấu tạo âm thanh giống nhau, nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau, nhằm tạo nên câu văn có vần điệu nhịp nhàng, mang nhiều tầng nghĩa sâu xa. Tương tự chơi chữ trong content cũng vậy, cần sử dụng câu từ sao cho người đọc nhận ra vấn đề ngay sau khi đọc.
chơi chữ trong content
Bạn phát hiện ra những cặp từ đồng âm nào trong các bình luận này?
Lưu ý: Từ đồng âm thường bị nhầm lẫn với từ nhiều nghĩa. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý từ đồng âm là nhiều từ nhưng nghĩa trong từng văn cảnh đều là nghĩa gốc. Từ nhiều nghĩa là từ chỉ có 1 nghĩa gốc, các nghĩa trong các văn cảnh khác đều là nghĩa chuyển.
Ví dụ về việc dùng từ đồng âm để thay thế cho nhau:
Chuyến xe “hành” khách
Anh đi nhậu với láng giềng
Để em ăn quả sầu riêng một mình

Ví dụ về việc sử dụng từ đồng âm trong cùng một câu thơ:

Viettel – hãy nói theo cách của bạn
Tình em như bát cháo lòng, ngày nào em cũng hết lòng vì anh
Bà già đi chợ cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói xem quẻ nói rằng,
Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn.

2.2. Lối nói trại âm (gần âm)

Lối nói trại âm là cách chơi chữ sử dụng những từ phát âm gần giống nhau, chỉ khác nhau về dấu câu, nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ, Rejoice đã từng sử dụng lối nói trại âm trong chiến dịch: “Ottoke” làm khó đã có “Ô tóc kìa”!
chơi chữ trong content
“Grab” lửa bỏ tay người; “Johnson’s” dễ đổi bản tính khó dời: rất nhiều cặp từ trại âm giữa tên các thương hiệu lớn và từ vựng tiếng Việt.

2.3. Lối nói điệp âm

Điệp âm tức là lặp đi lặp lại phụ âm, vần hoặc thanh để câu văn, câu thơ thêm phần nhịp nhàng, bắt tai, đồng thời tạo nên sự cộng hưởng về ý nghĩa, khắc họa rõ nét hình tượng hoặc xúc cảm.
minigame-choi-chu-trong-content-tu-lazada
Chiến dịch minigame “chơi chữ” của Lazada khuyến khích cộng đồng cùng tạo nên kho từ điển với 3 chữ cái đầu L-Z-D phong phú.
Ví dụ:
Khô ráo thoáng êm, suốt đêm ngon giấc (Quảng cáo tã quần Pampers)
Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu (Slogan của Prudential)
Xương của bạn, tương lai của bạn (Quảng cáo Anlene, sữa)
tâm ắt sẽ có tầm

2.4. Từ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa

Ví dụ:
Vừa kết hợp từ trái nghĩa chính – phụ, vừa dùng từ đồng âm thể thay thế ở chữ “phụ”:
Hãy đẹp để là chính mình, không cần ai phải phụ mình (phụ trong “phụ bạc” hay “phụ giúp”?)
Dùng từ gần nghĩa:
Không chỉ là nơi ở, đó là nơi để sống (Phú Mỹ Hưng, dịch vụ nhà).
Dùng từ đồng nghĩa
Thành tích của bé hôm nay, thành tựu đất nước mai sau (Nutroplex, thuốc bổ dành cho trẻ em dạng siro).

2.5. Nói lái

Nói lái là cách tráo đổi các tiếng với nhau trong 1 từ hoặc phụ âm đầu và phần giữa của âm tiết để tạo nên những từ ngữ có nội dung mới, tạo bất ngờ, thú vị với người nghe.
Ví dụ:
Hiện đại – hại điện
Đầu tiên là tiền đâu
Nói hay không bằng hay nói
Lùi hay tiến nó đi liền cái túi

*Tìm hiểu thêm các mẹo, công thức viết quảng cáo hiệu quả:

Hướng dẫn áp dụng bộ câu hỏi 5W1H khi viết content (Có ví dụ chi tiết)

Top công thức viết content hay, thúc đẩy chuyển đổi ngay khi được áp dụng

2.6. Dùng các từ có cùng trường nghĩa

Các trường từ vựng thường gặp đó là: Từ chỉ một loại hoạt động (ví dụ: các động từ chuyển động, hoạt động nói năng), từ chỉ phương tiện hoạt động (ví dụ: công cụ sản xuất), từ chỉ quan hệ giữa người với người (ví dụ: quan hệ thân tộc), từ chỉ màu sắc, từ chỉ các bộ phận cơ thể (người và động vật), từ chỉ động vật (ví dụ: động vật nuôi), từ chỉ cây cối, từ chỉ cảm xúc, từ chỉ các món ăn…

chơi chữ trong content

Ví dụ:
Ăn bóng đá, ngủ bóng đá, uống Cocacola (quảng cáo nước ngọt Coca-cola)
Nghe đã thích. Nhìn càng hay (Samsung, điện thoại di động SGH-E720).

2.7. Các từ có quan hệ toàn thể, bộ phận

Ví dụ:
Chia sẻ khoảnh khắc đẹp, chia sẻ cuộc sống vui (Kodak, phim ảnh)
Cho cuộc sống những khoảnh khắc riêng (Nokia, điện thoại di động 2600)

2.8. “Đối ý”

Giống như những câu đối ngày xưa, câu văn đối ý thường có 2 vế cân xứng nhau, giúp cho câu văn dễ nhớ, dễ thuộc và sinh động hơn
Ví dụ: Niềm tin của , hạnh phúc của mẹ (Nuna, giấy trẻ em)
Kết luận:
Có thể khẳng định rằng, nghệ thuật chơi chữ trong content thực sự khiến cho câu văn trở nên sinh động, “có hồn” hơn. Rất nhiều thương hiệu hiện nay sử dụng cách chơi chữ vào các chiến dịch marketing và đạt được ấn tượng sâu sắc trong tâm trí khách hàng. Đây nhất định là những điều người làm nội dung cần phải học hỏi và luyện tập mỗi ngày.
Tác giả: Nhung Phan
Xem thêm bài viết của tác giả

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *